19% công ty chứng khoán thua lỗ năm 2014

(Dân trí) - Con số này đã giảm khá nhiều so với mức 34% công ty chứng khoán (CTCK) thua lỗ của năm 2013. UBCKNN đã thực hiện tái cấu trúc được 24 CTCK, số lượng CTCK còn lại hoạt động bình thường là 81 công ty, giảm được khoảng 23% tổng số CTCK.

 
Ảnh: Mai Chi
Ảnh: Mai Chi

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  
 
Thông tin tại Hội nghị triển khai phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2015 diễn ra sáng nay (2/2/2015), Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng cho biết, trong năm vừa qua, sau quá trình tái cấu trúc, thị trường hiện có 83 công ty chứng khoán (CTCK) đang hoạt động (bao gồm cả công ty thuộc diện kiểm soát).

So với năm 2013, quy mô, các chỉ tiêu tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh đều được cải thiện. Theo đó, tổng vốn chủ sở hữu tăng 12%, tổng tài sản tăng 10% so với năm 2013. Tổng doanh thu đạt khoảng 10.500 tỷ đồng, tăng 33,6%, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 8,1% tăng 19%, tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) đạt gần 5%, tăng 21% so với năm 2013.

Cũng theo ông Bằng, trong năm 2014, số lượng công ty thua lỗ chỉ còn 19%, giảm khá nhiều so với mức 34% của năm 2013, tổng lợi nhuận đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2013.

Ông Bằng cho rằng, các mục tiêu cơ bản của tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán trong năm qua đã đạt được, từng bước thu hẹp số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động qua việc tăng cường năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro; củng cố hoạt động; cơ cấu lại tổ chức, nhân sự.

Cụ thể, về khối các CTCK, tính đến nay, UBCKNN đã thực hiện tái cấu trúc được 24 CTCK, số lượng CTCK còn lại hoạt động bình thường là 81 công ty, giảm được khoảng 23% tổng số CTCK. 

Trong đó, tạm ngừng hoạt động 1 CTCK, chấm dứt hoạt động kinh doanh 3 CTCK để thực hiện thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động; đình chỉ hoạt động 2 CTCK và chấp thuận giải thể 3 CTCK. Bên cạnh đó, Ủy ban đã thu hồi giấy phép của 4 CTCK do hợp nhất, cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho 2 CTCK đang trong quá trình thực hiện sáp nhập. Ủy ban cũng đạt 8 CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt và 2 CTCK vào diện kiểm soát.

Các giải pháp tự tái cấu trúc cũng được khuyến khích. Kết quả thống kê cho thấy, đã có 4 CTCK đã thực hiện hợp nhất, 8 CTCK rút nghiệp vụ môi giới, 2 CTCK đã rút nghiệp vụ tự doanh, 4 CTCK rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành, 1 CTCK rút nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán. Nhiều công ty đã cắt giảm về nhân sự, thu hẹp mạng lưới. So với năm 2011, các CTCK đã đóng cửa 28 chi nhánh và 41 phòng giao dịch.

Tại khối các công ty quản lý quỹ (QLQ), trong năm vừa qua, thị trường có 43 công ty QLQ hoạt động bình thường với tổng tài sản quản lý là 105.800 tỷ đồng , tăng khoảng 18% so với năm 2013, trong đó 6.300 tỷ đồng là tài sản của quỹ đầu tư chứng khoán (NAV) và 99.500 tỷ đồng là tài sản ủy thác của khách hàng.

Ông Bằng cũng cho biết, hoạt động kinh doanh của các công ty QLQ năm vừa qua chưa cải thiện. Theo số liệu ước tính năm 2014, tổng doanh thu khối này đạt 711 tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2013, tổng lợi nhuận đạt khoảng 140 tỷ đồng, giảm 3,4% so với năm 2013. Các chỉ tiêu sinh lời cũng giảm nhẹ so với giảm nhẹ: ROA đạt 4,1% so với mức 4,16 của năm 2013, ROE đạt 4,47% so với mức 4,85% của năm trước.

Trên thị trường, từ con số 49 công ty có giấy phép hoạt động, sau quá trình tái cấu trúc, đến nay, UBCKNN đã xử lý được 6 công ty QLQ: giải thể và thu hồi giấy phép 1 công ty, chấp dứt hoạt động 1 công ty, tạm ngừng hoạt động 4 công ty và hiện chỉ còn lại 43 công ty.

Theo đánh giá của ông Vũ Bằng, các công ty QLQ hoạt động kém hiệu quả, cổ đông là các cá nhân đang dần được thay thế bởi các công ty QLQ trực thuộc các tập đoàn tài chính lớn, có tình hình tài chính lành mạnh và năng lực cao trong công tác quản trị công ty.

Mai Chi
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”