14 ngân hàng được cho vay mua thóc, gạo tạm trữ

Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức chấp thuận cho 14 ngân hàng gồm Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV, MHB, Techcombank, SHB, Oceanbank, OCB, Eximbank, MB, LienVietPostBank, ACB, HDBank thực hiện việc cho vay mua thóc, gạo tạm trữ vụ Đông - Xuân năm 2013 - 2014.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Đông Xuân 2013 - 2014 ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo một số ngân hàng thương mại cho vay mua tạm trữ thóc, gạo trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày 20/3/2014 đến hết ngày 20/9/2014; mức lãi suất cho vay tối đa 7%/năm.

Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ với thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng kể từ ngày 20/3/2014 đến hết ngày 20/7/2014.

Triển khai quyết định trên, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho các ngân hàng gồm: Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV, MHB, Techcombank, SHB, Oceanbank, OCB, Eximbank, MB, LienVietPostBank, ACB và HDBank thực hiện việc cho vay mua thóc, gạo tạm trữ vụ Đông - Xuân năm 2013 - 2014.

Qua đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại nêu trên thực hiện cân đối nguồn vốn để cho vay mua tạm trữ thóc, gạo đối với các thương nhân được Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân giao chỉ tiêu mua số thóc gạo tạm trữ tối đa 1 triệu tấn quy gạo.

LienVietPostBank - một trong 14 ngân hàng cho vay mua thóc, gạo tạm trữ.
LienVietPostBank - một trong 14 ngân hàng cho vay mua thóc, gạo tạm trữ.

Ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank, một trong 14 ngân hàng cho vay mua thóc, gạo tạm trữ vụ Đông - Xuân năm 2013 - 2014 cho biết: “Cùng với việc cho vay phát triển kinh tế hộ nông dân theo chính sách Tam Nông của Đảng, việc cho vay mua thóc, gạo tạm trữ cũng được LienVietPostBank rất quan tâm. Tuy nhiên, muốn việc cho vay tạm trữ có lợi trực tiếp cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh lúa gạo, kích thích phát triển cánh đồng mẫu lớn, góp phần phát triển thực sự nền nông nghiệp Việt Nam, chúng ta phải phá được 3 cái “độc”.

3 cái “độc”, theo ông Hưởng, đó là: Độc canh, tức phải kích thích tích tụ ruộng đất thì mới thực hiện sản xuất nông nghiệp trên cánh đồng mẫu lớn được. Độc ác - tức là cho vay nặng lãi. Về vấn đề này, đại diện LienVietPostBank cho hay, dù các ngân hàng rất tích cực cho vay kinh tế hộ nhưng tâm lý vay nặng lãi ở đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, dẫn đến việc bán lúa non.

Cái “độc” thứ ba, theo đại diện ngân hàng, đó là “độc quyền xuất khẩu gạo”. “Nếu Nhà nước vẫn độc quyền xuất khẩu gạo thì phải có vài công ty Vinafood mới đảm bảo quyền lợi cho hộ nông dân, doanh nghiệp, tránh tình trạng được mùa được giá nhưng nông dân lại không được gì…”, ông Hưởng nói.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, quyết định thu mua thóc, gạo tạm trữ sẽ giải quyết được bài toán tình thế trong thời điểm người nông dân đang gặp khó khăn do không tiêu thụ được lúa gạo.

Trước đó, phát biểu tại “hội nghị sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL” tổ chức tại Cần Thơ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ dành 8.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi thu mua tạm trữ lúa gạo. Cùng với đó, ngành ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn 7% cùng các thủ tục thuận lợi nhằm triển khai thí điểm để khuyến khích, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nuôi trồng chế biến thủy hải sản và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Để đảm bảo chương trình đạt hiệu quả cao, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề nghị các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam rà soát và lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính và hệ thống kho chứa để thực hiện thu mua tạm trữ.

Nhật Minh
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm