1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

14 ngân hàng, công ty tài chính phản hồi chính sách của NHNN

(Dân trí) - Hiệp hội Ngân hàng vừa có công văn gửi Thống đốc NHNN về việc 14 NHTM và công ty tài chính phản hồi những bất cập về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD).

14 ngân hàng, công ty tài chính phản hồi chính sách của NHNN - 1
Các NHTM cho rằng Thông tư 13 (có hiệu lực từ 1/10/2010) sẽ gây khó khăn trong hoạt động.
 
Theo văn bản của Hiệp hội Ngân hàng, Thông tư 13 ban hành ngày 20/5/2010 của Thống đốc NHNN là một trong những văn bản pháp quy quan trọng điều chỉnh các hoạt động cơ bản của TCTD; đó là các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, giới hạn tín dụng, tỷ lệ khả năng chi trả, giới hạn góp vốn mua cổ phần và tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động.
 
Nhìn chung, các quy định đề cập trong thông tư này hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn cao cho hoạt động kinh doanh và an toàn hệ thống ngân hàng, là điều kiện cần để hệ thống ngân hàng Việt Nam nhanh chóng hội nhập với bên ngoài.
 
Tuy nhiên, xuất phát từ “mặt bằng” của nền kinh tế Việt Nam hiện nay và xuất phát từ “mặt bằng” của các NHTM, công ty tài chính không đồng đều… việc thực hiện các quy định được đề cập trong thông tư 13 (có hiệu lực từ 1/10/2010) sẽ gây không ít khó khăn cho các NHTM.
 
Do đó, Hiệp hội ngân hàng đã có văn bản đề xuất ý kiến phản hồi của 14 NHTM và công ty tài chính là hội viên tới NHNN về “những bất cập có ảnh hưởng lớn”.
 
Theo văn bản từ Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), bất cập mà 14 NHTM và công ty tài chính đề cập tới là: Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động. Tỷ lệ sử dụng vốn được tính theo công thức: Cấp tín dụng/Nguồn vốn huy động = 80%/85%.
 
Với công thức này, VNBA nhấn mạnh đến vai trò của nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn và cho rằng quy định liên quan trong thông tư là không hợp lý.
 
Vì, tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội… thường chiếm tỷ lệ từ 15% - 20% trong tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng. Theo các NHTM, đây là nguồn vốn có tính ổn định cao.
 
Như vậy, ngoài tỷ lệ 20% của nguồn vốn huy động không được sử dụng để cho vay theo công thức trên, thì còn khoảng 15% tiền gửi không kỳ hạn kể trên không được sử dụng để cho vay. Do đó, phần nguồn vốn để đảm bảo khả năng thanh toán là 20% + 15% = 35% trên tổng nguồn vốn huy động. “Tỷ lệ này là quá cao, không hợp lý”, văn bản VNBA nhấn mạnh.
 
Ngoài tiền gửi không kỳ hạn nói trên, ở các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính còn có vốn tự có (phần còn lại sau khi đã trừ đi phần mua sắm tài sản cố định cho phép) và các loại vốn mang tính chất “coi như tự có” là những nguồn vốn do chính họ tạo ra như vốn khấu hao tài sản cố định, các quỹ… cũng cần được tính vào nguồn vốn huy động để cho vay.
 
Cũng tại công văn này, các thành viên VNBA chỉ ra rằng, quy định về các tài sản có có hệ số rủi ro là 250%. Điểm a khoản 5.6 quy định các khoản cho vay để đầu tư chứng khoán có hệ số rủi ro bằng 250%. VNBA đề nghị NHNN xem xét lại các trường hợp cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán do mức độ rủi ro về tín dụng không kể.
 
Điểm c của khoản 5.6 quy định việc việc quy định hệ số rủi ro 250% đối với tất cả các khoản vay kinh doanh bất động sản không phân biệt là bất động sản đã hình thành hay là tài sản hình thành trong tương lai, theo VNBA, là không phù hợp với mức độ rủi ro đối với từng loại tài sản khác nhau.
 
Do đó, VNBA đề nghị “NHNN nên căn cứ vào mức độ rủi ro của khoản cho vay kinh doanh bất động sản để quy định hệ số rủi ro cho phù hợp, vì việc tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay kinh doanh bất động sản làm tăng tổng tài sản có rủi ro của ngân hàng lên rất nhiều, trong khi mức vốn tự có không thay đổi thì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng sẽ giảm đi đáng kể”…
 
An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm