12 kiến nghị “nóng” đẩy nhanh tiến độ dự án ODA?

Mặc dù Việt Nam được đánh giá là sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nhưng việc triển khai các dự án còn chậm đang là mối quan ngại của các nhà tài trợ.

Được tổ chức tại Hải Phòng vào cuối tuần qua, Hội nghị kiểm điểm chung tình hình thực hiện các dự án ODA lần thứ 5 (JPPR 5) giữa Tổ công tác ODA của Chính phủ Việt Nam (IMTF) và 5 ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế (TCTC) lớn là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển quốc tế Pháp (AFD), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã thảo luận nhằm tìm biện pháp tháo gỡ sự chậm trễ này.

Theo ông Laurent Msellati, đại diện của WB, có 3 vấn đề tồn tại lớn khiến tiến độ triển khai dự án ODA bị chậm. Thứ nhất là việc không có đủ nguồn vốn cho giai đoạn chuẩn bị; thiếu nhất quán trong công tác quản lý đầu tư công...

Thứ hai là giai đoạn khởi động của dự án kéo dài quá lâu. Ông Yasuhisa Ojima, đại diện của JBIC cho biết, ở Việt Nam, sau khi được phê duyệt, nhiều dự án phải mất từ một năm trở lên mới có thể bắt đầu triển khai. Trừ các dự án của JBIC và AFD là có thời gian tương đối ngắn (4 tháng), còn lại các dự án của WB và ADB phải mất từ 8 đến 9 tháng.

Nguyên nhân chính là thiếu tính liên tục, thiếu nhấn quán giữa các nhóm tham gia chuẩn bị và thực hiện dự án. “Một số cán bộ tham gia công tác chuẩn bị dự án lại không được tiếp tục thực hiện dự án, nên thiếu tính kế thừa, liên tục.

Người tiếp quản sau đó lại phải mất thời gian để tìm hiểu dự án...”, một đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu. Ngoài ra, việc phê duyệt được áp dụng một cách tuần tự (thay vì song song) trong quá trình thực hiện dự án và quy trình đền bù, tái định cư rườm rà, chậm trễ cũng làm cho giai đoạn khởi động dự án bị kéo dài.

Thứ ba là thời gian thực hiện dự án kéo dài do chậm trễ trong thủ tục đấu thầu và do còn tồn tại một số khác biệt trong quy định của Luật Đấu thầu với hướng dẫn của 5 ngân hàng, TCTC.

Ngoài ra, thời gian thực hiện dự án còn phụ thuộc quá nhiều vào định mức chi phí trong quá trình lập dự toán và chậm trễ trong việc tuyển dụng tư vấn trong nước cũng như trong quá trình thanh toán tại các cấp, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị cho việc giải ngân lần cuối.

Ông Đan Đức Hiệp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng thì cho rằng, trong nhiều trường hợp, phương pháp tuyển chọn tư vấn của JBIC chưa đảm bảo tiết kiệm chi phí cho dự án, gây khó khăn cho công tác tuyển chọn và hợp đồng dịch vụ tư vấn của các nhà tài trợ chưa thể hiện được các chế tài đối với tư vấn.

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương có nhiều dự án sử dụng vốn ODA (thuộc các lĩnh vực năng lượng, giao thông, thuỷ lợi và cấp nước nông thôn; cấp nước và xử lý nước thải đô thị) đã cùng nhóm 5 ngân hàng, TCTC đưa ra một số kiến nghị nhằm thực hiện 3 giải pháp “nóng” là đẩy mạnh khâu chuẩn bị, thẩm định và phê duyệt dự án; đẩy mạnh quá trình khởi động dự án và đẩy mạnh quá trình triển khai dự án.

Theo bà Lương Lan Dung, Phó trưởng ban đối ngoại của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), muốn đẩy nhanh giai đoạn chuẩn bị dự án thì cần đào tạo nâng cao năng lực cán bộ trong khâu chuẩn bị tài liệu dự án; giảm cấp phê duyệt và thủ tục phê duyệt.

Còn một đại diện Bộ Tài chính cho rằng, các hiệp định vay ODA khác với các hiệp định thông thường, vì vậy Bộ Ngoại giao nên xem xét có thể rút ngắn thời gian và lược bỏ những thủ tục trong đàm phán, ký kết, phê chuẩn (như đối với các hiệp định thông thường khác hoặc tương tự với các dự án trước đó).

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thống nhất đề xuất 12 kiến nghị “nóng” nhằm tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án ODA, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề hài hoà quy trình, thủ tục, chính sách của Việt Nam với các nhà tài trợ; điều chỉnh Nghị định 112 của Chính phủ; xác định chủ đầu tư cho toàn bộ các dự án đang triển khai của 5 ngân hàng, TCTC; thành lập, bố trí cán bộ cho ban quản lý dự án, đẩy nhanh hoạt động đền bù tái định cư; cải cách định mức chi phí và hệ thống lập dự toán chi phí...

Tổ công tác ODA của Chính phủ Việt Nam và nhóm 5 ngân hàng, TCTC cũng đã thống nhất xây dựng một kế hoạch hành động chung để thực thi các kiến nghị và giải pháp trên.

Theo Mạnh Cường
Báo Đầu tư