1.000 tỷ đồng tiền giảm thuế đang nằm ở đâu?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, nếu tính toán thấy giảm thuế giá sẽ hạ mà doanh nghiệp cố tình không giảm giá bán thì Nhà nước sẽ kiên quyết thu lại số lợi nhuận này.
Qua thanh tra giá các mặt hàng thép, sữa và gas, đoàn kiểm tra có phát hiện doanh nghiệp nào lợi dụng sự biến động của thị trường để tăng giá bất hợp lý?
Giá những mặt hàng này tăng là do giá thế giới tăng, như giá phôi thép tăng gần 20% so với cuối năm 2006, giá nguyên liệu sữa bột cũng vậy, so với tháng 1 tăng 25%-97% tùy loại, giá gas tăng 8%...
Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy nhiều doanh nghiệp hạch toán chi phí quản lý như phí quảng cáo, bán hàng... còn cao. Đây là những chi phí có thể tiết giảm được trong 4 tháng còn lại của năm.
Căn cứ vào thực tế và yêu cầu của đoàn kiểm tra, các doanh nghiệp kinh doanh gas đã cam kết giảm giá 2.000-3.000 đồng/bình. Thép Việt - Úc đã giảm 200 đồng/kg. Thép Thái Nguyên đã giảm ở khu vực miền Trung 150-200 đồng/kg.
Các công ty kinh doanh thép, sữa, gas khác đã cam kết cắt giảm chi phí, trước hết là giữ bình ổn giá cho đến hết năm nay.
Bộ Tài chính đã giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng được gần 1 tháng, nhưng ghi nhận thực tế thì giá nhiều mặt hàng chưa giảm như mong muốn? Vậy tiền giảm thuế đang nằm ở đâu?
Sau khi giảm thuế, mặc dù giá nhiều mặt hàng chưa giảm mạnh nhưng cũng không tăng cao như trước đây. Hơn nữa, đây mới là kết quả kiểm tra sơ bộ. Ngoài việc kiểm tra chi phí giá, các đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục kiểm tra xem các doanh nghiệp được giảm thuế nhập khẩu hạch toán thuế như thế nào.
Nếu tính toán thấy giảm thuế giá sẽ giảm mà doanh nghiệp cố tình không giảm giá bán thì Nhà nước sẽ kiên quyết thu lại số lợi nhuận này. Không thể để mất không hơn 1.000 tỷ đồng tiền giảm thuế.
Đối với các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá từ nay đến cuối năm, nếu muốn tăng giá, doanh nghiệp phải báo cáo với Bộ Tài chính. Các bộ ngành sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra từ nay đến cuối năm, đặc biệt là ở các địa phương. Còn ở Trung ương chỉ kiểm tra điểm một số mặt hàng, riêng thuế thì chủ yếu kiểm tra ở Hà Nội và TPHCM.
Mặc dù các doanh nghiệp đã cam kết với đoàn kiểm tra là bình ổn giá, tuy nhiên đến cuối năm giá vẫn không giảm thì Bộ Tài chính sẽ xử lý thế nào?
Cái đó phải phân loại theo các mặt hàng. Những mặt hàng Nhà nước vẫn quản lý thì doanh nghiệp dứt khoát không được tăng giá.
Những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá nếu thấy tăng giá không hợp lý thì Nhà nước sẽ phải can thiệp trực tiếp (ví dụ xăng). Còn những mặt hàng theo thị trường thì yêu cầu phải niêm yết, kê khai giá theo đúng quy định của Nhà nước.
Khi cần, Chính phủ sẽ có những chính sách khác để hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể giảm giá. Hiện tại giá mũ bảo hiểm đang sôi động, Bộ Tài chính đã yêu cầu tất cả các cơ sở bán hàng phải niêm yết giá.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng kiến nghị với Thủ tướng là yêu cầu các bộ, ngành có trách nhiệm với hàng hóa của doanh nghiệp thuộc bộ, ngành mình quản lý. Hiện nay, nhiều bộ, ngành ban hành văn bản bình ổn giá mà không đôn đốc, kiểm tra xem thực hiện như thế nào.
Vừa rồi, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét việc tại sao giá thức ăn gia súc trong nước không tăng mà thức ăn chăn nuôi nhập khẩu không giảm giá khi thuế đã giảm.
Theo Người lao động