1.000 tỉ đồng giải cứu cá tra: Như muối bỏ biển

Lượng cá tra quá lứa tồn đọng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tăng lên từng ngày. Có những dự báo rằng chắc chắn sẽ diễn ra cơn sốt thiếu nguyên liệu cá tra trong 3 - 4 tháng tới do nông dân bỏ nghề nuôi cá.

Ở Tiền Giang, số cá quá lứa dự báo ban đầu là 3.000 tấn, nhưng nay lên tới cả 10.000 tấn. Người nuôi sợ cá quá lứa đã áp dụng chế độ “thắt lưng buộc bụng”. Tuy nhiên, cá quá lứa vẫn tiếp tục gia tăng dù cá bị bỏ đói.

Đang sốt lạnh

Khi lượng cá quá lứa lớn hơn dự báo thì 1.000 tỉ đồng Chính phủ quyết định cho vay giải cứu cá tra trở nên nhỏ bé. Bà Hồng Giang, công ty Agifish, cho biết: “Ngân hàng cho công ty vay 40 tỉ đồng, chỉ bằng 40% nhu cầu và chỉ mua một tuần là hết vốn vay. Chúng tôi cần gấp 60 tỉ nữa, nhưng phải chờ ngân hàng”.

Những nông dân ở An Giang cũng chờ quyết định ngân hàng, bởi khoản tín dụng trực tiếp cho người nuôi khoảng 35 tỉ đồng cũng chỉ mới giải ngân được 15 tỉ.

Theo nhiều người nuôi, trong thời điểm nhạy cảm này mối quan hệ giữa cộng đồng nuôi cá và các công ty nóng lên như lò lửa. Doanh nghiệp cư xử không công bằng là cộng đồng nuôi cá lộn xộn, xích mích lẫn nhau. Đồng vốn giải ngân cho từng nông hộ dẫn tới tình trạng mối quan hệ thôn lân “bốc cháy” do họ phải đạp chân nhau giành nhận vốn.

Nhiều doanh nghiệp thừa nhận giải quyết mắc mứu hiện nay không chỉ là vốn mua cá mà phải giải cả bài toán mua nguyên liệu dự trữ. Họ cần vay vốn để dự trữ, nhưng với lãi suất hiện thời thì không doanh nghiệp nào hăng hái vay tiền.

Thậm chí có doanh nhân nói rằng tốt nhất là trao cho họ quyền kiểm soát ngoại tệ của đơn vị làm ra. Vì thứ nhất, họ không được trọn quyền sử dụng ngoại tệ do mình làm ra, bị ép tỷ giá. Thứ hai, họ bị ép vay tiền đồng, nhưng tiền đồng cũng không đủ.

Sẽ có sốt nóng

Nhiều người nuôi ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang nói rằng xong vụ cá “hú hồn” này họ sẽ tạm nghỉ hoặc tự thu hẹp diện tích nuôi cá. Như vậy, sẽ thiếu hụt nguyên liệu trong 3 - 4 tháng tới.

Cá tra, trên thực tế người nuôi, nhà chế biến đều trông mong vào xuất khẩu. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nhân, bên mua cũng bắt đầu nói giọng... “nể nhau lắm mới mua”, để kỳ kèo trả chậm hoặc dùng bảng giá của doanh nghiệp này để ép doanh nghiệp kia xuống giá. Các doanh nghiệp rơi vào tình trạng phải giảm giá để đánh nhanh.

Trong khi đó, nhìn lại giá bán những sản phẩm chế biến từ cá tra trên thị trường nội địa hoặc cá tươi bán ngoài chợ hàng ngày, bao giờ cũng có giá bán gấp đôi giá xuất khẩu.

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng mở thị phần trong nước sẽ rất khó, tốn công sức, thuế cao và không thu về ngoại tệ. Tỷ lệ tiêu dùng nội địa chỉ chiếm 25 - 30% sản lượng cá nuôi, 70 - 75% còn lại phụ thuộc vào xuất khẩu.

Nhưng hiện nay, tâm lý người tiêu dùng đang sợ dịch cúm gia cầm, heo tai xanh và giá thịt gia súc gia cầm đang rất đắt đỏ, thì xúc tiến tiêu dùng nội địa cho con cá tra là trong tầm tay.

Đáng tiếc là điều này đã không được chú ý đúng mức. Và việc thiếu nguyên liệu khiến các doanh nghiệp đang phải tính tới chuyện nhập khẩu nguyên liệu là chuyện nhãn tiền.

Theo Gia Khiêm
Báo SGTT