1.000 cán bộ nhân viên Bamboo Airways chuẩn bị sẵn sàng cho ngày cất cánh

(Dân trí) - Hãng hàng không Bamboo Airways của Tập đoàn FLC vừa ra thông báo chuyến bay thương mại đầu tiên dự kiến sẽ triển khai vào cuối quý IV, 2018. Những ngày này, tại văn phòng của Bamboo Aiways, không khí làm việc hăng say chuẩn bị cho ngày cất cánh đang nóng hơn bao giờ hết.

Trụ sở làm việc của Bamboo Airways tại Hà Nội
Trụ sở làm việc của Bamboo Airways tại Hà Nội

Quyết tâm cất cánh

Đến khu Văn phòng rộng hơn 1.200 m2 của hãng đặt tại khu Ngoại giao đoàn trên đường Võ Chí Công và văn phòng khu vực miền Nam tại SASCO, hơn 1.000 cán bộ nhân viên Bamboo Airways đang tích cực triển khai các công tác như thuê mua máy bay, nhân sự, thương mại, khai thác bay, khai thác mặt đất... để sẵn sàng cho dịch vụ bay của hãng.

“Về cơ bản, mọi công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên dự kiến vào cuối quý IV năm nay cũng đã hoàn tất", ông Đặng Tất Thắng, Tổng Giám đốc Bamboo Aiways chia sẻ.

Theo lộ trình, sau khi có Giấy phép bay, để trở thành một hãng hàng không thực sự có khả năng khai thác tàu bay và cung cấp dịch vụ cho công chúng, Bamboo Airways cần có Chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC- Aircraft Operator Certificate) cũng như hoàn tất các công việc cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ.

Trao đổi với báo chí ngày 10/10 vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường đánh giá: “Với dự án bay của Bamboo Airways, nhà đầu tư rất quyết tâm thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu và chuẩn bị khá kỹ lưỡng về tài liệu để có thể rút ngắn thời gian nộp hồ sơ xin cấp AOC ngay sau khi hãng được cấp Giấy phép bay.”

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ Giao thông cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways theo quy định. Bộ GTVT nhận định hồ sơ của Công ty Tre Việt đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng các điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy và phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm theo quy định theo Nghị định 92, phù hợp với quy định về thương hiệu của hãng hàng không theo Nghị định 30.

Ông Đặng Tất Thắng cho biết, hãng đang trong giai đoạn hoàn thiện giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không với sự đồng thuận cao của các bộ, ban, ngành có thẩm quyền.

Không ngừng tìm kiếm cơ hội

Chia sẻ về công tác thuê mua tàu bay, Tổng Giám đốc Bamboo Airways nhấn mạnh: “Trong công tác thuê mua tàu bay, Bamboo Airways vừa thận trọng tìm hiểu, vừa dứt khoát quyết định chọn tàu bay phù hợp để khai thác. Công ty đã triển khai khá nhiều chuyến thăm các hãng cho thuê máy bay có trụ sở tại châu Âu để khảo sát thực tế từ nội thất đến kĩ thuật của các tàu bay. Tất cả nhằm đảm bảo mang đến cho hành khách những chuyến bay thoải mái và an toàn nhất."

Được biết, theo kế hoạch, Bamboo Airways dự kiến sẽ khai thác 100 đường bay kết nối các thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuyến bay nội địa đầu tiên dự kiến sẽ là các tuyến Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Đồng Hới, Tp.HCM - Quy Nhơn, Hà Nội - Tp.HCM, Tp.HCM - Vân Đồn… với mục tiêu giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng hàng không tại các thành phố lớn, đồng thời tăng cường liên kết vùng, nâng tầm du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Để phục vụ cho kế hoạch này, từ tháng 3 đến tháng 6/2018, hãng đã ký hai thỏa thuận mua 44 máy bay A321 NEO và 787-9 Dreamliner trị giá 8,8 tỷ USD của hai đối tác quốc tế lớn là Airbus và Boeing.

Trong thời gian chờ bàn giao máy bay mới, Bamboo Airways đã và đang tiến hành thuê khoảng 20 máy bay trong năm 2018 và bổ sung thêm 20 - 30 chiếc trong năm 2019 phục vụ các kế hoạch vận hành đã được đặt ra.


Bamboo Aiways hướng về ngày cất cánh không còn xa

Bamboo Aiways hướng về ngày cất cánh không còn xa

Vì lợi ích tốt nhất cho hành khách

Là một hãng hàng không hybrid, Bamboo Airways luôn lấy kim chỉ nam của doanh nghiệp dịch vụ là phục vụ khách hàng bằng cả trái tim.

Từng chi tiết nhỏ để phục vụ cho một chuyến bay như gối ngủ hay bữa ăn dành cho hành khách được chăm chút tỉ mỉ đến những công tác quan trọng liên quan đến kỹ thuật, an toàn bay đều được hãng thực hiện một cách nghiêm túc và bài bản.

Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 300 tiếp viên và phi công của Bamboo Airways đã được gửi đi đào tạo tại nước ngoài. Đồng thời, các hoạt động đào tạo cho khối dịch vụ, khối kỹ thuật cũng được kiện toàn và hoàn thiện. Đặc biệt, đội kỹ sư bảo dưỡng đã được hãng gửi đến đào tạo tại Airbus để nâng cao tay nghề và tuân thủ theo chính sách quản lý nghiêm ngặt trong lĩnh vực hàng không.

Bamboo Airways tin tưởng rằng, khi dịch vụ được xuất phát từ trái tim thì nhất định sẽ chạm đến trái tim của khách hàng.

Q. Anh