10 sự kiện kinh tế tiêu biểu năm 2005

Nền kinh tế Việt Nam trải qua một năm với nhiều tín hiệu vui, dù gặp không ít khó khăn từ hoàn cảnh khách quan và những biến động của thị trường quốc tế. Dưới đây là 10 sự kiện kinh tế tiêu biểu trong năm.

1. Trái phiếu Việt Nam phát hành thành công trên thị trường chứng khoán New York.

Đây là thành công ngoài mong đợi của những người triển khai kế hoạch này: lượng trái phiếu phát hành dự định ban đầu là 500 triệu USD vào giờ chót đã được tăng gấp rưỡi (750 triệu USD), và lãi suất giảm đi 0,125 điểm phần trăm/năm (từ 7,25% xuống 7,125%), nhưng vẫn bán hết veo trên thị trường New York chỉ sau 30 giây phát hành, và số lượng đặt mua gấp 6 lần giá trị rao bán. 

2. Tăng trưởng và lạm phát đều ở mức cao: 8,4%

Mặc dù trong năm giá xăng dầu tăng vọt trên thị trường thế giới và dịch cúm gia cầm hoành hoành nhưng các chỉ số kinh tế quan trọng vẫn gần đạt chỉ tiêu. Tăng trưởng GDP ước đạt 8,4% (chỉ tiêu 8,5%), cao nhất trong 9 năm qua. Chỉ số giá cả (CPI) tăng 8,4% (chỉ tiêu: 6,5%), thấp hơn năm 2004 (9,5%) dù điều kiện thị trường thế giới khắc nghiệt hơn. 

Như vậy, cả 2 chỉ số quan trọng đều tiến bộ so với năm 2004, mà nguyên nhân quan trọng là đầu tư tăng cao.

3. Khởi công nhiều công trình quốc gia chiến lược.

Các công trình quốc gia đồng loạt khởi công: Thủy điện Sơn La, lọc dầu Dung Quất, nhiệt điện Hải Phòng, cầu Phú Mỹ.

Việc đồng loạt khởi công 2 dự án điện lớn vào nửa cuối năm có sự thúc ép quan trọng từ sự kiện thiếu điện trầm trọng vào giữa năm, và việc khởi công nhà máy lọc dầu Dung Quất sau 15 năm ấp ủ được liên tưởng tới sự kiện giá dầu leo thang trên thị trường thế giới. 

4. FDI và ODA đạt mức kỷ lục

FDI trong năm 2005 đạt 5,8 tỷ USD, trong đó Hà Nội là địa phương đứng đầu với khoảng 1,8 tỷ USD. ODA cam kết cũng đạt mức kỷ lục: 3,74 tỷ USD.

Một mặt, nó phản ánh cái nhìn ngày càng tích cực của các nhà đầu tư quốc tế về môi trường đầu tư và triển vọng kinh tế của Việt Nam; mặt khác, đây là sự bổ sung nguồn vốn quan trọng cho các dự án dài hạn (cần ODA) và đặt thêm nền móng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

5. Những rối ren liên tiếp của ngành điện

Mất điện trầm trọng giữa năm 2005, đặc biệt là ở phía Bắc, gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng; vụ gian lận trong sản xuất điện kế điện tử tại TPHCM; và chương trình thay thế miễn phí bóng đèn sợi đốt của Tổng công ty điện lực VN bị chỉ trích dữ dội.

Nếu như việc thiếu điện trầm trọng là hệ quả của công tác dự báo và quy hoạch kém; chương trình thay thế bóng đèn sợi đốt thể hiện sự vội vàng và ấu trĩ; thì vụ gian lận trong sản xuất điện kế điện tử cho thấy công tác kiểm tra - giám sát kém của ngành điện.

6. Thị trường bất động sản ở các thành phố lớn đóng băng

Thị trường bất động sản ở các thành phố lớn, chủ yếu là Hà Nội và TPHCM, trong tình trạng đóng băng, khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có nguy cơ sụp đổ.

Đây là hệ quả tất yếu của trào lưu đầu cơ bất động sản, và những chính sách không đồng bộ liên quan đến thị trường bất động sản, đẩy giá bất động sản lên quá xa tầm với của người có nhu cầu thật về nhà ở. 

Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện để "sàng lọc" các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, và chuẩn bị cho việc thiết lập mặt bằng giá mới.

7. DN Việt Nam gặp khó khăn trước những rào cản trên thị trường thế giới

Nếu như sự kiện cá basa Việt Nam bị cấm bán tại 3 bang của Mỹ thể hiện lối làm việc bị động của ngành thủy sản, thì việc da giày Việt Nam bị kiện bán phá giá tại châu Âu là tình thế khó khăn chung của các doanh nghiệp Việt Nam mỗi khi sử dụng giá thấp làm chiêu bài cạnh tranh, do nền kinh tế Việt Nam chưa được coi như nền kinh tế thị trường - có tiền lệ từ vụ kiện bán phá giá tôm tại Mỹ vài năm trước. 

Vướng mắc này chỉ được giải quyết khi Việt Nam được đối tác trao quy chế nền kinh tế thị trường, và nhất là gia nhập WTO.

8. Thị trường ôtô ngưng trệ

Lượng xe ôtô tiêu thụ trong năm 2005 giảm sút rõ rệt so với 2 năm trước đó, và đặc biệt giảm vào dịp cuối năm. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chính sách bảo hộ sản xuất nội địa không làm cho ngành sản xuất ôtô trong nước phát triển mà chỉ đẩy giá lên cao.

Việc áp dụng biểu thuế mới từ 2006 (khiến giá xe lắp ráp trong nước tăng giá nhưng xe nhập khẩu giảm giá) càng khiến thị trường ôtô cuối năm 2005 đình trệ, do tâm lý người tiêu dùng chờ xe nhập khẩu giảm giá, trong khi nhà sản xuất trong nước lại muốn tăng giá.

9. Chính phủ mở đường cho các DNNN lớn lên sàn chứng khoán

Vietcombank, Bảo Việt, Vinamilk, Mobi Fone, EVN lần lượt được bật đèn xanh cho việc thực hiện quá trình cổ phần hoá. Vietcombank đã thành công lớn ở bước đầu tiên là phát hành trái phiếu tăng vốn, với việc bán được 1.200 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 6%/năm.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu tiên, và Vietcombank đã phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện được bước đầu tiên ấy, cho thấy tiến trình cổ phần hoá các công ty nhà nước lớn là rất gian nan.

10. Thị trường hàng không giàu tính cạnh tranh hơn

Với sự xuất hiện của hàng không giá rẻ (Tiger Airways và Thai Air Asia) cùng việc Pacific Airlines có sự tham gia của cổ đông nước ngoài đã khiến cho người tiêu dùng ngay lập tức nhận ra tính cạnh tranh của thị trường hàng không Việt Nam tăng cao.

Những chuyến bay nối các thành phố lớn với khu vực của các hãng hàng không giá rẻ, rồi việc phân hạng để có những vé giá rẻ của Pacific Airlines và cả Vietnam Airlines cũng như các đợt khuyến mãi liên tiếp đã giúp hành khách di chuyển bằng đường không "dễ thở" hơn.

Theo VietNamnet