10 năm ôm "hàng nóng": Kẻ bỏ chạy thoát lỗ, người mua gom chờ thời

Sau khi rầm rộ triển khai, nhiều siêu dự án đã đổi chủ hoặc bán lại một phần. Không ít đại gia bất động sản ngậm trái đắng với đất hứa Hà Đông.

Đại gia ngoại gặp khó

Từng được coi là dự án có mức giá đắt nhất Hà Nội những năm 2009, siêu dự án ParkCity có quy mô hoành tráng của dự án cùng với mô hình khu đô thị ParkCity khá thành công tại Malaysia khiến hàng loạt “đại gia” tại Hà Nội không tiếc tiền săn đón dự án này. Dự án có tổng diện tích 77ha, với 12 tiểu khu bao gồm 900 nhà biệt thự và khoảng 7.000 căn hộ chung cư.

Chủ đầu tư ban đầu thực hiện dự án là Công ty Cổ phần Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam (VIDC). Đây là liên doanh giữa Vinaconex Hoàng Thành và Công ty Perdana Parkcity (Malaysia).

Sở hữu quá nhiều “ưu điểm” nên khi mới mở bán, các suất ngoại giao đất giao bán với mức giá chênh lệch "khủng" từ 1,2-1,5 tỷ đồng/căn liền kề, biệt thự lên đến 2 tỷ đồng.

Giới đầu tư địa ốc một thời đã coi ParkCity như một khu đô thị đẳng cấp, dành riêng cho người giàu. Vì thế, việc bỏ ra gần chục tỷ đồng để sở hữu một căn hộ tại đây cũng trở thành “mốt” của nhiều đại gia.


Dự án từng ì ạch tiến độ

Dự án từng ì ạch tiến độ

Trái với việc mở bán rầm rộ, sau hàng loạt các sự cố, siêu dự án ParkCity (Hà Đông) rơi vào tình trạng nằm im bất động. Đến đầu năm 2013, thị trường bất ngờ với thông tin đối tác nước ngoài của dự án ParkCity Hà Nội là Perdana ParkCity công bố sở hữu toàn bộ 100% dự án này.

Giai đoạn 1 của dự án (Tiểu khu Nadyne Garden) gồm 117 căn nhà liền kề và biệt thự đã hoàn thiện và bàn giao nhà. Chủ đầu tư ParkCity Hanoi công bố triển khai giai đoạn 2.

Một dự án từng là điểm nóng Hà Đông nhưng lại luôn trong tình trạng ì ạch tiến độ là chung cư quốc tế Booyoung. Tổ hợp Booyoung Vina có 553.683m2 diện tích sàn xây dựng trên tổng diện tích đất hơn 4,3ha, gồm 6 phân khu nhà ở với 10 toà nhà cao 30 tầng và 2 tầng hầm; tổng số 3.482 căn hộ.

Theo chủ đầu tư, dự án xây dựng theo phong cách sinh thái Hàn Quốc kết hợp nét đặc trưng của 4 mùa tại Hà Nội cùng chuỗi tiện ích đa dạng. Trong đó, nổi bật là khu vườn sinh thái, lối dạo bộ theo phong cách Hàn Quốc tại phân khu CT3 và CT5. Dự án có tổng mức đầu tư 171 triệu USD.

Khởi công từ đầu năm 2007; khi đó chủ đầu tư dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2010. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, dự án đang chuẩn bị mở bán lần đầu ra thị trường.

Lý do chậm tiến độ, theo chủ đầu tư, chủ yếu do việc điều chỉnh lại quy hoạch lẫn thiết kế. Năm 2007, các căn hộ tại đây có diện tích 80-200m2; sau đó do nhu cầu thị trường cũng như các thay đổi chính sách quản lý bất động sản, doanh nghiệp thu nhỏ diện tích căn hộ nhằm tăng tính thanh khoản. Hiện các căn hộ tại đây gồm 2-3 phòng ngủ, diện tích từ 73m2 đến 107m2.

Nội thâu tóm

Trong khi các đại gia ngoại gặp khó tại Hà Đông thì không ít chủ đầu tư lại nhảy vào thị trường này. Năm 2014, Cen Invest công bố “rót” 240 tỷ đồng, chính thức trở thành đối tác chịu trách nhiệm triển khai dự án, thi công, quản lý, kinh doanh đối với 3 toà nhà H, J, K thuộc cụm chung cư CT7 - Khu đô thị mới Dương Nội của Nam Cường và được đổi tên thành dự án Parkview Residence.

Ba tòa có quy mô khoảng 630 căn hộ, có diện tích từ 56 đến hơn 100m2, tổng mức đầu tư khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó Cen Invest đã đầu tư 240 tỷ đồng. Giá bán các căn hộ tại 3 tòa chung cư này sẽ dao động trong khoảng từ 19-21 triệu đồng/m2, tương đương với khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ được xây dựng theo chuẩn căn hộ cao cấp.


Dự án chậm tiến độ và nợ thuế

Dự án chậm tiến độ và nợ thuế

Chân ướt chân ráo bước vào lĩnh vực đầu tư phát triển dự án, sau khi bàn giao nhà dự án Parkview Residence đã gặp nhiều kiện cáo của khách hàng sau đó vấn đề chất lượng toà nhà, diện tích căn hộ đã được giải quyết.

Tiếp tục mở rộng đầu tư tại Hà Đông, Cen Invest mua lại một phần dự án Daewoo Cleve và đổi tên thành K-Park. Cen Invest đã điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Thay vì những căn hộ có diện tích lớn từ 94-163 m2 và giá bán trên 31 triệu/m2 như trước đây thì The K-Park đang xây dựng những căn hộ có diện tích nhỏ, chỉ 54-93m2 và giá bán gần 20 triệu/m2.

Một dự án khác cũng dính lùm xùm sau khi đổi chủ là cụm chung cư CT2 - 105, Usilk City (nay là HPC Landmark 105) chuyển nhượng từ Sông Đà Thăng Long cho công ty thành viên của Tập đoàn Hải Phát là Hải Phát Thủ đô.

Diện tích xây dựng công trình là 4.306m2, gồm một khối nhà 50 tầng và phần diện tích tầng hầm nằm trong phạm vi lô đất chuyển nhượng. Tổng mức đầu tư của phần dự án là 1.510 tỷ đồng, trong đó vốn tự có chiếm 20% tổng mức đầu tư. Không chỉ dừng lại ở đó, đại gia này còn nhắm tới mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án Usilk.

Tương tự như vậy, Hải Phát đầu tư vào dự án khoảng 700 tỷ để mua lại quỹ đất 4,7 ha đất thành phẩm, tương đương khoảng 35% quỹ đất của dự án khu đô thị Phú Lương. Dự án khu đô thị Phú Lương do Công ty cổ phần xây dựng Trung Việt làm chủ đầu tư, có vị trí tại phường Phú Lương và giáp khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông. Dự án được phê duyệt năm 2008, tiếp tục triển khai thực hiện sau khi hợp nhất Hà Tây và Hà Nội.

Không chỉ ì ạch về tiến độ, dự án còn gặp vấn đề nghiêm trọng về nợ đọng tiền sử dụng đất. Tháng 7.2015, theo danh sách 28 dự án bất động sản có nợ tiền sử dụng đất (Cục Thuế Hà Nội công khai), dự án Phú Lương là một trong hai dự án có nợ tiền sử dụng đất lớn nhất, tới hơn 193 tỷ đồng (tính tới 30.6.2015).

Theo Duy Anh
VietnamNet

10 năm ôm "hàng nóng": Kẻ bỏ chạy thoát lỗ, người mua gom chờ thời - 3