Từ cậu bé Thành Nam đến giáo sư đại học West Georgia

(Dân trí) - Hội tụ trong thành phần Ban giám khảo cuộc thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 48 (IMO 48) lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam vào tháng 7/2007 là nhiều thế hệ học sinh giỏi Toán Việt Nam. Đáng chú ý trong số này là Giáo sư Toán học Vũ Kim Tuấn.

Rất nhiều tên tuổi đã được vinh danh trong các kỳ IMO trước đây, hiện đang học tập, làm việc và sinh sống ở nước ngoài đã được mời về tham gia ban giám khảo IMO 48. Một thành viên người Việt Nam trong Ban giám khảo cuộc thi đã thu hút sự chú ý của nhiều người: Giáo sư Toán học Vũ Kim Tuấn, người trở về từ trường Đại học West Georgia, Mỹ.

 

Vũ Kim Tuấn sinh ra ở Nam Định trong thời kỳ đất nước còn đang trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ngay từ thủa niên thiếu, tuy điều kiện cuộc sống và học tập có nhiều khó khăn với những lần đi sơ tán về nông thôn để tránh bom đạn của không quân Mỹ, nhưng cậu bé Vũ Kim Tuấn khi đó đã được nhiều bạn bè và thầy cô biết đến bởi thành tích học tập xuất sắc.

 

Năm 1975, cậu học sinh chuyên toán Vũ Kim Tuấn của trường Trần Đăng Ninh, Nam Định đã đỗ thủ khoa vào trường chuyên Toán của Bộ Giáo Dục với số điểm tuyệt đối 20/20 và được phân về Khối chuyên Toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hồi đó, Bộ Giáo Dục tổ chức thi chung, sau đó, học sinh sẽ được chia về 2 Khối chuyên trực thuộc Bộ là Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Sư Phạm Hà Nội.

 

3 năm sau, vào năm 1978, Vũ Kim Tuấn là một trong những học sinh Việt Nam được lựa chọn vào đội tuyển để cử đi tham gia cuộc thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 20 tổ chức tại Bucarest, Rumani. Và tại cuộc thi Olympic Toán học quốc tế năm đó, Vũ Kim Tuấn đã trở thành người đoạt được huy chương bạc, và có điểm cao nhất trong 8 học sinh của đội tuyển Việt Nam tham gia kỳ thi.

 

Sau đó 1 năm, Vũ Kim Tuấn đã được nhận học bổng toàn phần và được cử sang Minsk, thủ đô nước Cộng hòa Belarus của Liên Xô (cũ) để theo học khoa Toán tại trường Đại học Tổng hợp Belarus. Trong những năm tháng học tập tại trường Đại học Tổng hợp Belarus, Vũ Kim Tuấn đã khiến cho nhiều bạn bè và giáo viên trong trường phải nể phục khi anh thể hiện đức tính siêng năng, cần cù và hiếu học của người Việt Nam. Anh kể: "Những năm đầu, ngày nào tôi cũng lên lớp từ 10-12 tiếng, thời gian giữa các tiết thì đọc sách. Mỗi ngày, tôi phấn đấu đọc từ 70 đến 150 trang sách Toán. Chủ nhật lại ra thư viện".

 

Với những nỗ lực không ngừng, Vũ Kim Tuấn tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Belarus vào năm 1984 với luận văn đạt điểm tối đa và được đánh giá đặc biệt xuất sắc, dù chỉ có 8 trang đánh máy. Luận văn tốt nghiệp của Vũ Kim Tuấn đã được đăng trên tạp chí Báo cáo của Viện Hàn Lâm khoa học Xô Viết, một trong những tạp chí uy tín nhất của của Liên Xô (cũ). Chỉ một năm sau, anh đã hoàn thành luận án tiến sĩ về Lý thuyết Hàm đặc biệt. Và Vũ Kim Tuấn đã dành ra 2 năm tiếp theo để viết xong luận án Tiến sĩ khoa học vào năm 1987 tại trường Đại học Tổng hợp Belarus. Khi ấy, ở tuổi 26, Vũ Kim Tuấn đã là Tiến sĩ khoa học trẻ tuổi nhất ở Liên bang Xô Viết trong thời gian đó.

 

Từ cậu bé Thành Nam đến giáo sư đại học West Georgia  - 1

Giáo sư Tuấn thăm lại trường Đại học Tổng hợp Belarus.

 

Sau khi hoàn thành luận văn Tiến sĩ khoa học, năm 1988, Vũ Kim Tuấn trở về Việt Nam, đúng vào thời điểm trong nước bỏ chế độ phân công công tác. Vì vậy, phải mất hơn nửa năm, anh mới có quyết định về làm việc tại phòng Giải tích Số, Viện Toán Học Việt Nam với mức lương khởi điểm Đại học bậc 2, nhưng được miễn tập sự.

 

Sau 5 năm làm việc tạiViệt Nam, năm 1993, Tiến sĩ Vũ Kim Tuấn sang Đức với học bổng sau tiến sĩ tại trường Đại học Tự do Berlin, và năm 1994, anh lại cùng gia đình chuyển sang Kuwait để nhận vị trí công tác mới tại khoa Toán và Khoa học máy tính của trường Đại học Kuwait (Kuwait University) với tư cách Phó Giáo sư, rồi sau đó anh được phong lên Giáo sư tại Đại học này vào năm 1999. Giáo sư Vũ Kim Tuấn đã có 9 năm sống, nghiên cứu và giảng dạy trên đất Kuwait, tại Khoa Toán và Khoa học máy tính của trường Đại học Kuwait.

 

Đến khi chiến tranh Iraq sắp nổ ra, tình hình Trung Đông trở nên bất ổn và có thể ảnh hưởng đến công việc nghiên cứu và giảng dạy, Vũ Kim Tuấn lại một lần nữa phải tìm cho mình hướng đi mới. Năm 2003, lần đầu tiên Đại học West Georgia của Mỹ có mở một ghế Giáo sư đặc biệt (Distinguished Chair), và Vũ Kim Tuấn đã được Khoa Toán của trường Đại học này tiếp nhận để trở thành Giáo sư ưu tú đầu tiên vớimức lương hơn 1 trăm nghìn USD/năm, cao nhất Khoa Toán của Đại học West Georgia.

 

Từ đó tới nay, Giáo sư Vũ Kim Tuấn nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học West Georgia. Những vấn đề anh quan tâm hiện nay liên quan đến bài toán ngược trong lý thuyết phổ và ứng dụng trong Công nghệ Thông tin. Đến nay, Giáo sư Vũ Kim Tuấn đã có hơn 120 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí quốc tế. Anh vẫn giữ quan hệ khoa học với Viện Toán học Việt Nam, đồng thời đã tham gia tổ chức và báo cáo tại một số hội nghị Toán quốc tế ở Việt Nam, và đã được mời làm thành viên trong Ban giám khảo cuộc thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 48, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vừa qua. Giáo sư Vũ Kim Tuấn cũng đã hướng dẫn thành công 2 nghiên cứu sinh tại Việt Nam bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.

 

Giáo sư Vũ Kim Tuấn hiện cùng gia đình sinh sống ở Mỹ. Anh đã có một con trai và một cô con gái, cả 2 đều trông rất dễ thương. Vũ Kim Tuấn cho biết năm nào anh cũng về nghỉ hè ở Việt Nam khá lâu nhưng thời gian đó chủ yếu là ngồi chơi chứ không thấy có việc gì để anh đóng góp. "Một số nơi cũng mời tôi tới giảng bài nhưng vì không có sự chuẩn bị trước nên tôi không coi đó là sự hợp tác chính thức. Nếu họ lên kế hoạch trước, tôi sẽ chuẩn bị chu đáo nội dung bài giảng từ bên kia”, Giáo sư Tuấn nói.

 

Theo Giáo sư Vũ Kim Tuấn, việc các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong nước tranh thủ các kỳ về nước nghỉ của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, để mời họ giảng bài hoặc báo cáo tại hội thảo là một cách làm khá tiện lợi. Tuy nhiên, những chương trình như vậy thường không có sự chuẩn bị trước mà làm theo kiểu "chộp giật" nên hiệu quả chưa cao.

 

Vũ Anh Tuấn

Theo westga.edu/~vu và báo chí trong nước