Tọa đàm về thách thức an ninh của Việt Nam tại Pháp
Trong các ngày 23 và 24/3, tại Paris, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã tham dự và thuyết trình tại các buổi tọa đàm với chủ đề "Những thách thức an ninh của Việt Nam trong năm 2015"...
Cuộc hội thảo bàn tròn do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức cũng đã thu hút sự tham dự của đại diện nhiều quốc gia thành viên ASEAN, đặc biệt là Đại sứ Philippines tại Pháp và Monaco, bà Theresa P. Lazaro.
Tại cả hai sự kiện, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn với tư cách là diễn giả chính đã điểm lại tình hình an ninh trong khu vực Đông Nam Á đồng thời trình bày các thách thức lớn của Việt Nam trong năm 2015. Theo ông, đó là thách thức trong việc xử lý các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đảm bảo độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là độc lập, chủ quyền tại Biển Đông. Đây là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Hai là, thách thức trong việc xử lý quan hệ với các nước lớn. Thực tế cho thấy, không chỉ là Mỹ, Trung Quốc mà nhiều nước lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Australia… đều quan tâm đến khu vực Đông Nam Á, vì các nước này đều có lợi ích tại đây. Ba là thách thức về phát triển kinh tế và duy trì sự thịnh vượng của Việt Nam.
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn đã đi sâu phân tích từng luận điểm đồng thời nhấn mạnh Việt Nam và các nước ASEAN phải duy trì được sự đoàn kết và thống nhất, đây là chìa khóa đảm bảo an ninh trong khu vực. Theo ông, Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành vào cuối năm 2015. Khi sống trong cùng một cộng đồng, coi nhau như thành viên của một đại gia đình thì ASEAN phải coi thách thức đặt ra với mỗi quốc gia thành viên như thách thức của chính mình. Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng Việt Nam cần phải mạnh lên về kinh tế để đủ khả năng và nguồn lực duy trì sức mạnh quốc phòng, thúc đẩy hội nhập toàn diện và rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới.
Trong phần thảo luận, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc đơn phương công bố "đường chín đoạn" đe dọa an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông. Đây là con đường hàng hải trọng yếu, nơi vận chuyển hơn 40% khối lượng hàng hóa của thương mại thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng việc Trung Quốc thay đổi chính sách ngoại giao đang tạo ra sự cạnh tranh ảnh hưởng, kéo theo những nguy cơ gây bất ổn khu vực, đồng thời tác động tiêu cực đến thương mại quốc tế tại khu vực Biển Đông. Nhiều học giả cũng chia sẻ quan điểm theo đó các thách thức an ninh của Việt Nam cũng đồng thời là các thách thức an ninh khu vực và của các nước trên thế giới, cụ thể là của Pháp và các nước châu Âu do sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, Đại sứ Philippines Theresa P. Lazaro cho biết: "Với hành động xây dựng các công trình trên các bãi đá, làm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Ngoài ra, việc làm này còn phá hủy môi trường sinh thái biển, là nơi sinh sống của rất nhiều loài sinh vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng và cần được bảo vệ".
Các cuộc tọa đàm nằm trong chuỗi một loạt các hoạt động của Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn tại Pháp và châu Âu nhằm giới thiệu và phân tích với giới học giả và nghiên cứu quốc tế các thách thức an ninh đối với Việt Nam cũng như bức tranh an ninh toàn khu vực Đông Nam Á.
Các buổi tọa đàm đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới học giả và nghiên cứu của Pháp. Cụ thể là ngay sau buổi tọa đàm, Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp đã đề nghị thiết lập quan hệ hợp tác trong nghiên cứu với Viện nghiên cứu Chiến lược ngoại giao của Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Hoàng Tuấn Anh, việc hợp tác giữa hai cơ quan nghiên cứu chiến lược hàng đầu giữa Pháp và Việt Nam mở ra triển vọng thúc đẩy hợp tác trong giới học giả. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng bởi giới học giả chính là đội ngũ nghiên cứu chiến lược giúp các chính phủ hoạch định chính sách. Ngoài ra, việc hai nước Việt Nam và Pháp tăng cường hiểu biết về nhau, về lợi ích chiến lược của nhau chính là vấn đề cốt lõi của quan hệ đối tác chiến lược mà hai nước cùng hướng tới và đang từng bước cụ thể hóa.