Sài Gòn-TPHCM: 42 năm đổi thay dưới góc nhìn của Việt kiều
Rất nhiều kiều bào đánh giá cao về sự cầu thị của lãnh đạo thành phố trong quá trình tìm kiếm những chủ trương và giải pháp cho sự phát triển.
Vào dịp tháng 4 lịch sử, rất nhiều người Việt Nam ở xa Tổ quốc lại trở về quê hương đón mừng kỷ niệm Ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước.
Đây cũng là dịp để họ chiêm ngưỡng Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh và cảm nhận những đổi thay của vùng đất này. Trở về thăm quê hương cũng là trở về đóng góp xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình, một thành phố đáng sống của đất nước và khu vực.
Là một Việt kiều Mỹ thường xuyên về Việt Nam để làm ăn, nhưng cứ mỗi lần trở về Thành phố Hồ Chí Minh là ông Tony Lam lại thấy khác lạ. Không chỉ ở trung tâm thành phố mà ngay cả những quận vùng ven, nhiều tòa cao ốc hiện đại mọc lên nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng của ông. Thế giới có cái gì mới nhất, hiện đại nhất thì Việt Nam cũng có.
Điều ông Lam ấn tượng nữa đó là Thành phố Hồ Chí Minh không còn hộ đói mà chỉ còn hộ nghèo, cận nghèo và đang tiếp tục thực hiện chương trình “Giảm hộ nghèo- tăng hộ khá” để nâng cao đời sống của người dân.
Đặc biệt là thành phố đang hướng tới việc đảm bảo cho người dân có một cuộc sống an toàn từ những bữa ăn với thực phẩm sạch. Nắm bắt cơ hội này, ông Lam cùng nhiều bạn bè ở Mỹ đã trở về đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố với kỳ vọng góp sức mình cho một nền nông nghiệp sạch, an toàn.
Ông Tony Lam bày tỏ: “Tôi cảm thấy rằng ở TPHCM và Việt Nam hàng ngày có sự đổi mới, phát triển, cạnh tranh với thế giới bên ngoài. Kiều bào trên thế giới và cả những người dân các nước khác, họ cũng rất quan tâm để thấy được sự phát triển của đất nước Việt Nam để họ có được sự tự tin và từ niềm tin đó họ đầu tư vào Việt Nam”.
Còn giáo sư Lê Văn Cương, Việt Kiều Pháp tâm sự, ông đã từng về Việt Nam vào những năm 1980 và chứng kiến sự khó khăn của Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm đó. Nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp rồi lại bị cấm vận về kinh tế, khó khăn chồng chất khiến bao người phải rời bỏ đất nước ra đi.
Thế rồi từ chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, đất nước mở cửa, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong đổi mới bằng các bước “xé rào” tạo dựng nền kinh tế thị trường hàng hóa.
Đặc biệt, sự đổi mới của thành phố và đất nước đã làm thay đổi cách nhìn nhận về quê hương của nhiều Việt kiều. Ngày càng có nhiều kiều bào trở về Việt Nam sinh sống và làm việc, trong đó có cả những vị giáo sư, tiến sĩ tên tuổi trên thế giới.
Giáo sư Lê Văn Cương tâm đắc: “Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng Thành phố Hồ Chí Minh được như bây giờ, Việt Nam được như bây giờ. Nhìn vào sự phát triển này thì thấy, chính sự cởi trói về kinh tế là một chính sách rất đúng đắn”.
Để đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đô thị hiện đại, văn minh, chính quyền Thành phố đang xây dựng đề án đô thị thông minh. Thành phố muốn áp dụng công nghệ thông minh để giải quyết những vấn đề cụ thể mà một đô thị lớn đang gặp phải, đó là: hạ tầng giao thông quá tải, chống ngập nước, kẹt xe, xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường... Chính vì vậy mà chính quyền thành phố đang kêu gọi mọi nguồn lực kể cả những người con Việt Nam ở xa Tổ quốc cùng góp sức vào công cuộc xây dựng thành phố.
Rất nhiều kiều bào đánh giá cao về sự cầu thị của lãnh đạo thành phố trong quá trình tìm kiếm những chủ trương và giải pháp cho sự phát triển của đô thị này. Giáo sư Hoàng Dương Tùng, Việt kiều Australia cho rằng, sự đồng lòng của đội ngũ lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo ra thành công trong xây dựng đô thị thông minh.
Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị năng động với những người lãnh đạo biết lắng nghe, luôn cầu thị, dám nghĩ, dám làm và được sự đồng thuận của nhân dân trong công cuộc xây dựng, phát triển thành phố. Cảm nhận rõ điều này nên thời gian qua, nhiều kiều bào đã tham gia đóng góp, hiến kế cho thành phố và được chính quyền thành phố hết sức trân trọng. Chính sự trân trọng này đã góp phần tạo thêm niềm tin của kiều bào khi trở về đầu tư trên quê hương mình./.
Theo Cao Thoa/VOV-TP HCM