Người VN ở Nga:
Nỗi niềm xứ Nghệ trong tôi...
(Dân trí) - Xa quê hương tới định cư nơi xứ sở bạch dương tuyết trắng đã mấy chục năm trời, nhưng những kỉ niệm về nơi chôn nhau cắt rốn vẫn vẹn nguyên trong tôi. Từ nơi xa nhìn lại, càng canh cánh trong lòng bao nỗi niềm trước những mảnh đời cùng cảnh xa xứ.
Nơi tuổi thơ tôi đã đi qua
Vết tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể nói không khác gì “lưỡi hái tử thần” quét qua thị xã Vinh (ngày đó chưa được lên cấp thành phố), đã xóa đi những công trình mà sau thời kì hòa bình lập lại năm 1954 người dân quê tôi vừa gây dựng lên thông qua kế hoạch 10 năm.
Ngay cả những di tích lịch sử từ ngàn xưa để lại cũng mất dấu, và khi đó chỉ còn lại một thành phố nham nhở vết cày xới của đạn nổ, chi chít hố bom và không biết bao nhiêu người dân vô tội đã ngã xuống nơi đây. Có thể hình dung thị xã Vinh ngày đó như một vết thương lớn trên thân mình Tổ quốc. Và nhìn rộng ra khắp miền Bắc, nhiều nơi khác cũng phải gánh chịu bao nỗi thương đau…
Thành Vinh, nơi gắn liền tuổi thơ tôi qua những góc phố căn nhà, những con đường mà tôi cùng lũ bạn ngày đó tung tăng chạy nhảy khắp mọi xó xỉnh, “thượng Cầu Rầm hạ Bến Thủy” có nơi nào mà dấu chân của lũ trẻ chúng tôi chưa đặt tới đâu.
Thời chiến, cả thị xã Vinh biến thành một trận địa phòng không với pháo cao xạ của bộ đội chủ lực, các ụ súng máy của dân quân tự vệ - những người vừa bám nhà máy, công trường sản xuất vừa vai khoác súng trường sẵn sàng chiến đấu khi có còi tầm báo động máy bay Mỹ…Bao năm tháng đã qua đi, những ngày đông tháng giá này ở mãi tận nước Nga xa xôi mà nghĩ lại lòng tôi vẫn trào dâng nỗi xúc động khôn nguôi.
Tình hình ngày càng căng thẳng, tới lúc người già, trẻ nhỏ và cả lứa học sinh chúng tôi phải sơ tán về nông thôn thì mọi trái tim đều cùng trực một hướng về thị xã bé nhỏ hầu như đêm ngày chìm trong khói lửa. Trong khi ở các vùng nông thôn quanh đó, bom đạn Mỹ cũng nào có tha.
Kinh khủng nhất là đợt máy bay B52 rải thảm bom mùa đông 1972, mà chắc chỉ những ai đã trải qua thời chiến tranh khốc liệt mới cảm nhận hết được sức nặng của thương đau do những hậu quả để lại. Vậy mà kể cũng lạ, cứ dứt tiếng bom rơi đạn nổ là mọi người từ trẻ tới già lại từ hầm trú ẩn leo lên mặt đất, tiếp tục cuộc sống thường nhật với sự bình thản từng khiến bạn bè, nhất là giới báo chí quốc tế phải trầm trồ thán phục.
Dân tộc Việt Nam là vậy! Tôi tự hào về dân tộc tôi nói chung và về những người dân xứ Nghệ quê tôi nói riêng. Nhất là về những người bạn tuổi thơ tôi, về thị xã Vinh của tôi bé nhỏ mà anh hùng. Tôi chỉ mong sao đất nước này mãi mãi thanh bình cho trẻ thơ không bao giờ còn phải chịu cảnh bom rơi đạn lạc và những mất mát khổ đau như thế hệ chúng tôi ngày xưa…
Từ thành Vinh “một thời đạn bom” ấy tôi đã đi một chặng đường thật xa tới tận miền tuyết trắng này…“…Xứ Nghệ ân tình, răng mà thương mà nhớ, từ trong ca dao, đường vô xứ Nghệ, nét đẹp quê mình, trong điệu ví câu ca…” ; “…em đón anh về thành Vinh quê em, nghe gió biển ru dòng Lam êm đềm, lửa hàn đêm đêm sáng trên những tầng cao…” - Nghe những ca từ ngọt ngào, man mác qua hai giọng ca Ngọc Hà và Thanh Hằng kể về một vùng quê nghèo mà rất đỗi thân thương, mà giờ đây đầu đã hai thứ tóc, trái tim đàn ông trong tôi vẫn run rẩy bao nỗi nhớ niềm thương…
Tới những cánh đồng, công trường… tuyết phủ
Tôi chỉ biết về “thăm quê” qua những bài viết nho nhỏ về bà con cộng đồng VN làm ăn sinh sống và học tập nơi xứ người – một nước Nga nhân hậu - trong đó có rất nhiều đồng hương “quê choa” chịu thương chịu khó mà nặng nghĩa, nặng tình. Cùng là những con người, nhưng đúng là số phận mỗi người mỗi khác.
Đa số họ đã lăn lộn làm ăn bao năm qua từ 1992 - thời kinh tế thị trường Nga mở cửa - đến nay ở các ốp (khu chung cư), chợ trời hay ở các trung tâm thương mại của người Việt hoặc Nga. Đã có kha khá người thành đạt và trở nên giàu có chủ yếu nhờ chịu thương chịu khó, tích lũy được vốn liếng, kinh nghiệm và cũng không loại trừ yếu tố rất quan trọng là may mắn. Nhưng là một người trong cuộc, tôi hiểu nhiều lúc họ đã phải chấp nhận đánh đổi bằng bao mất mát trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thương trường nơi xứ lạ.
Còn đa phần bà con ta vẫn vất vả lắm, nhưng họ chấp nhận cảnh “thân cò lặn lội đồng xa” để đổi lấy những đồng rúp lương thiện bằng mồ hôi nước mắt và có khi bằng cả máu xương của chính mình, tất cả vì tương lai các thế hệ sau.
Dù sao làm ăn ở chợ cũng còn dễ thở hơn so với những người con xứ Nghệ xa quê làm ăn ở các xưởng may, trang trại, công trường xây dựng…. Nhiều người trong đó lăn lộn hết công trường này sang công trường khác, ăn ở tạm bợ, lương lúc có lúc không mà khi rủi ro thì còn bị chủ quỵt. Tuy nhiên biết chắt bóp rồi cũng dành dụm được chút ít gửi về cho gia đình. Dạo này nghe đâu dân xây dựng dạt về vùng Kavkaz khá nhiều, chắc ở đó cần nhiều nhân lực hơn.
Những người trồng rau không khá hơn là mấy, họ cũng một nắng hai sương bán mặt cho đất, bán lưng cho trời Nga từ sáng sớm đến tối mịt trên cánh đồng hay trong các khu nhà kính, bất kể là mùa hè nắng gắt hay mùa đông tuyết giá nhiệt độ xuống tới âm hàng chục độ C.
Sản phẩm họ làm ra chỉ là những bó rau, cọng hành…nhập cho các cửa hàng, chợ “trời”, giá thành thì khi rẻ, khi đắt. Dù sao thì có đồng lương, đồng thưởng, trung bình hàng tháng cũng góp nhóp được vài trăm USD đủ nuôi thân và dôi ra chút đỉnh gửi về nhà. Bản thân mình, họ chấp nhận nơi ăn chốn ở tạm bợ: mùa hè ở trong những khu nhà kiểu như lán trại ngoài cánh đồng dựng tạm bằng gỗ ghép, mái lợp giấy dầu còn đỡ, chứ mùa đông băng tuyết rét buốt tới tận xương mới thực là khổ…
Nhưng khổ nhất vẫn là xui xẻo gặp phải các ông chủ trang trại dù là người Việt hay Nga, dân Trung Á hoặc Triều Tiên mà “có vấn đề” về mặt pháp lí, thì khi bị nhà chức trách vây ráp coi như xong…
Và tin xấu mới nhất là vụ việc hơn 200 công nhân VN ở vùng Noginxcơ ở ngoại ô Mátxcơva hôm 26/12 vừa bị nhà chức trách bắt đi vì chủ xưởng cho sản xuất hàng nhái nhãn mác (bản thân những công nhân này cũng làm việc bất hợp pháp vì giấy tờ không hợp lệ). Một vụ án hình sự đã được khởi tố với tội danh “nhái mác nhãn hiệu”.
Nhiều, nhiều lắm những chuyện buồn chưa muốn kể…Bao giờ thì họ đỡ cực nhọc, đỡ đi những nỗi khổ đau không đáng có nơi xứ người? Những câu hỏi đó cứ ray rứt trong tâm can tôi suốt bao năm tháng qua…
Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)