Nơi tiếng vọng quê hương gọi về:

Những bức thư thấm đẫm ân tình (Kỳ II)

Trong ngôi nhà cũ đầy ắp những kỷ niệm, ngoài công việc "cắt - dán” tư liệu giúp chồng hoàn thành bộ sưu tập "Kiều bào và Quê hương”, cô giáo Phan Thu Hương còn lưu giữ nhiều thư từ, kỷ vật của bạn bè, đồng nghiệp và học trò đã và đang sinh sống ở hải ngoại.

Đối với cô, đó là những bức thư thấm đẫm ân tình mà những người con nước Việt xa quê hương luôn đau đáu hướng về đất Mẹ…

Những bức thư thấm đẫm ân tình (Kỳ II)

Thỉnh thoảng xem lại thư từ, bút tích của bạn bè, đồng nghiệp cũ từ hải ngoại gửi về, cô Hương lại xúc động khôn nguôi

Những năm tháng không quên

Đã bao năm trôi qua, giờ đã ở vào tuổi xưa nay hiếm (70 tuổi), nhưng cô Phan Thu Hương vẫn nhớ như in từng khuôn mặt học trò, bè bạn, đồng nghiệp đã cùng cô đi qua những năm tháng chiến tranh đầy tự hào của dân tộc.

Cô kể, sau khi tốt nghiệp Khoa Văn trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1964 – 1967), cô về đầu quân cho tờ báo "Người giáo viên Nhân dân” (Tiền thân của báo Giáo dục và Thời đại). Công tác ở báo được 3 năm, cô chuyển sang công tác giảng dạy tại trường cấp 3 hữu nghị Việt Nam – Ba Lan (Hà Nội). Bắt đầu từ ngôi trường này, nghề giáo viên nhân dân đã giúp cô định hướng được niềm đam mê và năng khiếu thực sự của mình. "Tôi yêu những học trò thân thương của thời bao cấp. 

Cảm giác lớp học như chính ngôi nhà của mình vậy. Học trò trân trọng và kính mến thầy, còn thầy dành trọn tâm huyết để truyền dạy cho những thế hệ tương lai của đất nước. Không khí của môi trường giáo dục lúc ấy cứ hừng hực, tất cả đều hướng đến sự nghiệp "trồng người” đầy vinh quang”, cô Hương xúc động trải lòng về nghề với chúng tôi.

Sau giải phóng miền Nam, cô Hương theo chồng vào tiếp quản Sài Gòn. Thời gian đầu, cô được phân công về giảng dạy ở nhiều trường khác nhau, trước khi chuyển về hẳn trường cấp 3 Bùi Thị Xuân (Q.1) và công tác tại đây cho đến lúc về nghỉ hưu (2001). "Những ngày đầu, cái gì cũng mới mẻ và bộn bề khó khăn. Hầu như mỗi thầy cô giáo chúng tôi đều cố gắng 100% sức lực và trí tuệ cho công việc gây dựng môi trường giáo dục XHCN ở đô thị lớn nhất miền Nam”.

Trong số những đồng nghiệp tại trường Bùi Thị Xuân, hiện đã sang định cư và giảng dạy ở San Diego (Mỹ) mà cô Hương thường xuyên liên lạc có thầy Giáo và cô Mạc. Cuối năm 1992, cả hai cùng sang Mỹ định cư theo diện đoàn tụ gia đình. 15 năm bên xứ người, thầy Giáo và cô Mạc vẫn thường xuyên gửi thư về thăm người đồng nghiệp của mình.

Một kỷ niệm khiến cô Hương nhớ như in khi một người bạn viết thư cho cô bày tỏ cảm xúc nhớ nhung khôn xiết: "Tết năm ngoái, gia đình nhận được thư của cả tổ văn, mừng không thể tả được. Vợ chồng mình vừa đọc thư vừa khóc. Nhớ quê hương, nhà cửa, bạn bè không thể nguôi”.

Tự hào về quê hương

Cô Phan Thu Hương kể, trong các bức thư mà bạn bè của mình gửi về nước cũng luôn nhắc đến niềm tự hào về truyền thống học hành của người Việt, dù là ở bất cứ nơi đâu. Cô kể trong bức thư gần nhất mà thầy Mạc có gửi cho cô, một đoạn thầy kể rằng: Phần đông học sinh từ Việt Nam qua Mỹ đã không gặp mấy khó khăn khi tiếp tục vào học ngay tại các trường High School của Mỹ, có chăng cũng chỉ bỡ ngỡ năm đầu về sinh ngữ thôi, còn học sinh người Việt luôn có ý thức chuyên cần và vươn lên. 

Thầy Mạc còn tâm sự: "Tôi thành thật biết ơn toàn thể giáo viên nhân dân Việt Nam! Bây giờ trong bất cứ ngành nào, từ không gian, y khoa, CNTT, hóa dầu,…, và ngay cả thời trang là lĩnh vực đòi hỏi sáng tạo ngẫu hứng…Thực tế, từ Tòa Bạch Ốc, Quốc hội đến quân đội, cảnh sát,…,không nơi nào là vắng bóng nhân viên người gốc Việt”.

Theo thầy Mạc, thực tế nêu trên khiến không ít người dân trong nước bất ngờ. Dĩ nhiên, tất cả họ đều mang quốc tịch Mỹ, nhưng cội nguồn vẫn là "máu đỏ da vàng”. Đó là những người trẻ tuổi và họ phải dấn thân để sống còn và đứng vững trong một xã hội đa văn hóa như xã hội Mỹ.

Lê Hồng Yến là nữ học trò hiền lành, được cô Hương yêu mến, vào mỗi dịp lễ tết truyền thống đều viết thư thăm cô, dù Yến đã sang định cư tại Watertown (Mỹ). Cô Hương nhớ như in vào một dịp giáp Tết khi thời tiết ở Mỹ vào đông, Yến gửi thư về cho cô với nỗi nhớ da diết: "Con qua đây được hơn một tháng, nhớ nhà và quê hương mình vô cùng. Con đi học mà cứ nhớ tới thầy cô ở bên Việt Nam. Con nghe nói Sài Gòn có nhiều đổi thay lắm, người ta đang mở rộng nhiều con đường phải không cô?…”

Một học trò cũ của cô Hương là Đinh Thanh Cẩn, Việt kiều ở California (Mỹ) cũng thường xuyên viết thư về nước. Cô Hương kể, ấn tượng sâu sắc nhất về cậu họ trò của mình là: Nỗi nhớ da diết quê hương khiến Cẩn luôn hình dung những con đường, tòa địa ốc ở Mỹ giống như những hình ảnh quen thuộc ở Việt Nam. Đó là vào năm 1994, khi internet bắt đầu manh nha được phổ biến ở Việt Nam, Cẩn đã tự tay đánh máy 2 trang A4 và gửi về cho cô bất ngờ. 

Trong thư, Cẩn viết: "Ở bên đây, tụi em rất nhớ nhà, thật là nhiều những kỷ niệm được hồi tưởng khi có một bối cảnh nào đó của thiên nhiên giống như ở Việt Nam. Ví dụ, có một cơn mưa (ở đây mưa rất ít và nhỏ nữa) được bầu không khí ấm và ít gió với mùi thơm của cây cỏ. Chúng khiến em nhớ lại những con đường sạch sẽ ở nhà (Việt Nam – PV). Sau những cơn mưa, không khí rất trong lành và sạch, nó nhắc em nhớ đến những tiếng mưa lốp đốp trên trần nhà. Nói chung, thời tiết ở đây giống như Đà Lạt vào mùa mát mẻ vậy. Phố xá dựng trên đồi và núi, giống địa hình Đà Lạt, nhưng nó rộng hơn Sài Gòn…”.

Không chỉ Cẩn và Yến thường xuyên viết thư thăm hỏi cô, Jeff Le dù bận rộn mưu sinh bên xứ người nhưng chưa khi nào quên ngày sinh nhật của cô giáo cũ. Cô Hương xúc động nhớ lại: Jeff Le giờ định cư ở San Jose và Jeff coi vợ chồng cô như ba mẹ ruột. Dịp sinh nhật cô và chú Phương vừa rồi, Jeff Le viết thư về chúc mừng, không quên dặn dò: "Ba mẹ ráng giữ gìn sức khỏe. Chúng con mong ngày trở về thăm ba má”. Cô Hương xúc động cho biết, chỉ hai tiếng thân thương ấy thôi, nhưng sao mỗi lần đọc lại thì cảm xúc dâng trào mạnh mẽ. Đối với cô, kiều bào không chỉ là một danh xưng chung chung, mà nhắc đến hai từ này là nhắc đến tình thân của những bè bạn, học trò xa xứ luôn đau đáu một bóng hình thân thuộc…”.

Theo Phương Dy
Đại Đoàn Kết