Người gốc Việt có chức vụ cao nhất ở nước ngoài

Tháng 8/2007, ông Lê Văn Hiếu, một người Việt Nam định cư ở Australia, đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II bổ nhiệm vào chức vụ Phó Toàn quyền Tiểu bang South Australia. Öng là người gốc Việt nắm chức vụ cao nhất trong chính phủ này ở Australia.

Ra đi với quyết tâm lớn

Ông Lê Văn Hiếu sinh năm 1954 tại Quảng Trị, một miền quê nghèo ở miền Trung. Cha ông mất sớm, nên ngay từ nhỏ cuộc sống của cậu bé Lê Văn Hiếu gặp nhiều khó khăn hơn những đứa trẻ khác cùng làng. Tuy vậy, cái khó, cái khổ dường như chỉ thôi thúc Hiếu càng quyết tâm phải học thành tài để vươn lên. Sau khi học xong trung học tại Đà Nẵng, chàng trai Lê Văn Hiếu đã theo học và tốt nghiệp khoa Chính trị Kinh doanh tại Đại học Đà Lạt.

Vào tháng 11/1977 ông Lê Văn Hiếu, khi ấy mới 23 tuổi, cùng người vợ trẻ Phương Lan, đã khăn gói lên đường sang định cư tại Australia. Khi mới đặt chân lên Darwin, miền Bắc Australia trong tâm trạng ngơ ngác, hành trang của chàng thanh niên Lê Văn Hiếu không có gì, trừ lòng quyết tâm xây dựng một cuộc đời mới tại mảnh đất chung sống của nhiều dân tộc này. Tuy vậy, Lê Văn Hiếu đã không gặp may mắn vì bằng cấp kinh tế và quản lý mà ông có được ở Đại học Đà Lạt không được công nhận ở Australia.

Trở ngại này không làm chàng trai mồ côi Lê Văn Hiếu nhụt chí. Tuy cuộc sống buổi ban đầu ở mảnh đất mới đầy khó khăn với biết bao lạ lẫm, nhưng Hiếu vẫn quyết tâm phải dốc sức học tiếp, dù biết rằng đây là một con đường khó khăn ngay cả với những người bản địa.

Vợ chồng anh đã phải làm đủ mọi nghề lao động chân tay để kiếm sống và để có tiền theo học tại Đại học Adelaide ở bang Nam Australia. Và tại Đại học này, Lê Văn Hiếu đã giành được bằng Cử nhân về Kinh tế - Kế toán và Luật kinh doanh. Sau đó, theo học tiếp và tốt nghiệp Cao học về Quản trị Hành chính (Masters Degree in Business Administration - MBA).

Chuyên gia tài chính và nhà lãnh đạo cộng đồng xuất sắc

Sau khi đạt được những thành công trên con đường học vấn, Lê Văn Hiếu đã được mời làm giảng viên của Học viện Dịch vụ Tài chính Australia (Financial Services Institute of Australia). Ông còn giảng dạy tại Học Viện Cao đẳng TAFE Adelaide, Đại học Nam Australia, và Đại học Adelaide về các môn Phiên dịch và Luật kinh doanh và là thành viên của Hiệp hội Kế toán Australia (CPA).

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Lê Văn Hiếu là chuyên viên thẩm tra về thị trường đầu tư và tài chính của Ủy ban Thanh tra và Giám sát công ty, thị trường chứng khoán và đầu tư thuộc Chính phủ Liên bang Australia (Australian Securities and Investments Commission - ASIC). Sau hơn một năm làm việc, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Thanh tra cho ASIC tại Văn phòng Adelaide. Trách nhiệm chính của ông là thanh tra và giám sát các hoạt động cung ứng dịch vụ về tài chính, thị trường chứng khoán và đầu tư tại Australia.

Không chỉ được biết đến như một chuyên gia tài chính thành công, Lê Văn Hiếu còn nổi tiếng là một nhà lãnh đạo cộng đồng xuất sắc. Ông Hiếu cho biết khi đến Australia, không có nhiều người biết về văn hóa Việt Nam mà chỉ biết đến cuộc chiến tranh Việt Nam qua truyền hình. Điều này đã thôi thúc ông nỗ lực hết mình để giới thiệu văn hóa Việt Nam. Lê Văn Hiếu cũng sớm tham gia vào việc khuyến khích chủ nghĩa đa văn hóa ở Australia - đất nước đa chủng tộc, đa văn hóa và đa ngôn ngữ.

Sau nhiều nỗ lực hoạt động vì cộng đồng, ông Hiếu đã trở thành người hiểu biết tường tận nếp sống phong phú và đa văn hóa của những người dân tiểu bang Nam Australia nói riêng và nước Australia nói chung. Năm 1996, ông Hiếu được tặng Huân chương Vì những đóng góp nổi bật cho ASIC, và sau đó là Huân chương cho Thúc đẩy sự đa văn hóa để tôn vinh những người Australia có đóng góp to lớn cho cộng đồng. Đến năm 1995, Lê Văn Hiếu đã trở thành thành viên Ủy ban Các vấn đề Đa văn hóa và sắc tộc của tiểu bang Nam Australia (the South Australian Multicutural and Ethnic Affairs Commission), nơi có cư dân "đến định cư từ 160 quốc gia khác nhau, nói trên 100 thứ tiếng và thờ trên 100 thượng đế khác nhau", như ông cho biết. Sau đó, ông trở thành người châu Á đầu tiên nắm giữ chức Chủ tịch Ủy Ban này vào năm 2006.

Vị Phó Toàn quyền với niềm tự hào lớn

Với việc trở thành người châu Á đầu tiên là Phó Toàn quyền đại diện cho Nữ hoàng Anh ở tại bang Nam Australia ở tuổi 53, ông Lê Văn Hiếu đã góp phần khẳng định vai trò quan trọng và sự thành công của những người Việt Nam ở xứ sở này. Trong diễn văn chào mừng Phó Toàn quyền Lê Văn Hiếu, Thủ hiến bang Nam Australia Mike Rann đã nói: "Câu chuyện của ông là câu chuyện về sự can đảm, vượt qua mọi thử thách và là một ví dụ về sự thành công dù phải đối diện với rất nhiều thiệt thòi và khó khăn, bao gồm những trở ngại về văn hóa hay ngôn ngữ. Ông Lê Văn Hiếu là biểu tượng cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trong xã hội đa văn hóa của chúng ta".

Một ngày làm việc bình thường của Phó Toàn quyền Lê Văn Hiếu luôn bận rộn từ sáng sớm cho tới tối mịt. Ông gặp và tiếp xúc với nhiều người, từ viện trưởng các trường đại học, bộ trưởng, tới lãnh sự, đại sứ các nước v.v... Tới chiều tối, khi hầu hết mọi người đã rời công việc để về nhà nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, thì ông lại đến tham dự các buổi lễ hội của các cộng đồng sắc tộc với tư cách Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Đa văn hóa và sắc tộc bang Nam Australia. "Mỗi tuần tôi tham dự từ 4 tới 6 lễ hội như vậy", ông Hiếu cho biết.

Là một người Việt Nam, Phó Toàn quyền Lê Văn Hiếu rất tự hào về sự thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cộng đồng người Việt tại Australia. Ông Hiếu cho biết, người Việt tuy là một trong số nhiều cộng đồng sắc tộc tại Australia và đến Australia "nhiều lắm cũng chỉ mới khoảng trên 30 năm", thế nhưng sự thành đạt của cộng đồng người Việt ở khắp mọi nơi là "hết sức khả quan", khiến nhiều người phải ngạc nhiên.

Ông bà Lê Văn Hiếu hiện có 2 con trai. Người con lớn sắp tốt nghiệp đại học ngành Dược, và cậu con trai thứ hai năm nay mới 12 tuổi. Bà Phương Lan, vợ ông hiện là chuyên viên cao cấp về Phục hồi chức năng của Bộ Y tế liên bang Australia r

Vũ Anh Tuấn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm