Người Việt xa xứ

Một chút cảm nhận khi về thăm quê Bác

(Dân trí) - Dễ gần 30 năm nay tôi chưa về thăm lại mảnh đất Kim Liên–Làng Sen quê Bác. Ngày đó, con đường 46 từ Vinh lên thị trấn Nam Đàn hãy còn là đường đá dăm đất đỏ, đến nỗi phủ kín người và xe một màu của đất mỗi khi trở về nhà...

... Làng quê ngày đó chỉ toàn là mái tranh vách nứa. Hai bên đường rặt là ruộng lúa, hay mía, ngô khoai… Gió đồng cũng nhiều hơn...

Có những bận chúng tôi đi công tác trở về vào ban đêm vừa thong thả đạp xe vừa ngắm nghía cảnh trăng thanh gió mát với hương đồng gió nội mà cảm thấy cuộc đời dẫu còn nghèo nhưng vẫn chứa chất bao tình cảm mặn nồng với quê hương, dù chẳng ai thốt nên lời.

Thị trấn Nam Đàn ngày đó hãy còn nghèo nàn đơn sơ lắm. Mỗi lần qua đây, thể nào chúng tôi cũng dựng chiếc xe đạp cà tàng vào cái cọc tre nơi quán lá của một bà cụ tóc bạc phơ miệng nhai trầu bỏm bẻm hay một chị trung niên nào đó dựng sơ sài ven đường. Rồi lim dim cặp mắt nhả những làn khói xanh lam của loại thuốc lá cuốn Lạng Sơn sợi vàng chóe thơm thơm nồng nồng, suýt soa ngụm nác (nước) chè xanh chát đặc bốc khói nghi ngút, nhón tay lấy miếng kẹo cu-đơ vừa dẻo quẹo của mật mía mà cũng vừa giòn bùi của lạc, ngầy ngậy của gạo (loại kẹo lạc mật ép hai mặt bằng bánh đa khô tròn tròn nho nhỏ bằng quả cam) hay loại kẹo lạc mật hình chữ nhật bằng hai ngón tay lát giấy báo cũ ngọt lừ trong cái lọ thủy tinh mà nhai côm cốp, tay phe phẩy cái quạt mo cau đuổi cơn gió Lào oi bức.

Gặp hôm mưa rơi rả rích trên mái tranh, mía, mái rạ thì cái chất lãng mạn trong người mới bốc lên và khi đó thì trong tay lại là chén rượu quê “nút lá chuối” (loại rượu trắng nấu bằng gạo ở quê và dùng lá chuối khô để nút cổ chai) với cái bánh đa vừng hay vài hạt lạc rang giòn tan.

Gặp bữa nào sang thì có con mực khô nướng cong queo vừa dai vừa ngọt thơm điếc cả mũi rồi miên man với những câu chuyện không đầu không cuối… Có lúc lại trầm ngâm tư lự mà ngắm những giọt mưa rơi thánh thót từ mái tranh để lại dưới bậc thềm đất những cái bong bóng nước lăn tăn đuổi bắt nhau…

Tôi vẫn nhớ hồi chiến tranh ác liệt vào thời điểm những năm từ 64 đến 68 khi mà mấy anh chị em chúng tôi theo cơ quan của ba tôi đi sơ tán khắp các vùng nông thôn của tỉnh Nghệ An, từ huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn đến Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương… Đâu đâu cũng cảm nhận được cái tình người chân chất mộc mạc của người nông dân một nắng hai sương. Cái thời của chúng tôi ngày ấy nó “chân quê” vậy đó!

Nhớ ngày còn sơ tán ở thôn Mậu Tài (xã Nam Liên) tôi thường đi học bên làng Kim Liên quê Bác, phải đi qua một cánh đồng lúa trải dài một màu xanh ngút mắt. Mùa lúa trổ đòng đòng đương thì con gái, ôi chao ơi, đi trong hương lúa mà ngây ngất. Ngắm nhìn biển lúa xanh rì rập rờn trong gió như sóng từng đợt từng đợt mà cảm thấy vụ mùa sẽ bội thu.

Mùa gặt về, chim sẻ đồng bay nâu cả trời. Tiếng hót rích rích nghe vui lạ. Con mương nông giang dẫn nước về đồng cơ man là cá rô, tràu (cá chuối, quả), giếc… cứ nhảy lên đớp mồi, đớp không khí tanh tách trông sướng cả mắt. Gặp hôm nắng ráo thì đỡ, chứ vào hôm mưa gió thì cứ gọi là vồ “ếch” (bị ngã ấy mà!) suốt ngày, về đến nhà là áo quần lấm lem với bùn đất.

Hồi đó đi học là đầu phải đội mũ rơm, vòng lá (loại lá có tên đùng đình) ngụy trang xanh rờn lủng lẳng sau lưng, quần áo nếu màu trắng thì phải nhuộm lại thành xanh hay nâu, đen. Tất cả chỉ với mục đích để tránh máy bay Mỹ nhòm ngó. Hầm hào đào ngay dưới chân bàn ghế mình ngồi học, có máy bay là tụt xuống luôn.

Tôi còn nhớ hồi đó thầy hiệu trưởng Trần Đình Mai rất hiền từ và thầy viết chữ rất đẹp, nét chữ tròn trĩnh nghiêng nghiêng… như tính cách dịu hiền của thầy vậy. Thầy dạy môn sinh vật, tôi lại là học trò cưng của thầy. Vườn sinh vật của lớp, thầy giao cho tôi làm “tổng quản”. Tôi rất hăng say với công việc, bởi tôi vốn đam mê những cây hoa, cây cảnh mà.

Lớp có cô Hương dạy toán, thầy Đào dạy văn. Tôi với nhóm bạn Văn Sơn, Kim Liên… nằm trong đội ngũ học sinh giỏi văn của khối và thường được chọn đi “chiến đấu” cấp hàng huyện, tỉnh. Hồi đó những đề văn hóc búa của chúng tôi thường là phân tích, giải thích, chứng minh, bình luận về đề tài quê hương đất nước, anh hùng trong chiến đấu, sản xuất… và cả nói về Bác.

“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”, câu ca đó cứ theo mãi chúng tôi trong những ngày là học trò. Thi thoảng chiều chiều hay sáng sớm chúng tôi rủ nhau lên đỉnh rú (núi) Chung để ngắm nhìn cái dải đất non xanh nước biếc trù phú của vùng đất Nam Đàn, mà cụ thể là Nam Liên – quê Bác.

Thỉnh thoảng vào những ngày nghỉ học, chúng tôi sang nhà bên ngoại của Bác để ngắm. Căn nhà ba gian mái lá tranh tre đơn sơ mộc mạc, tấm rèm tre che nắng che mưa, bàn ghế giường chiếu, võng, khung cửi dệt vải… cũ kĩ bởi thời gian. Cảm giác của chúng tôi hồi đó là thấy rất thân quen như bao mái nhà tranh tre nứa lá của bà con nông dân nghèo khó ở quanh vùng dù rằng đó là nơi mà thuở thiếu thời Bác đã từng sinh ra và lớn lên. Có lẽ hàng ngày do vẫn được tiếp xúc với nơi này nên chúng tôi nhận thấy thân quen chứ chẳng lạ lẫm như những người ở xa đến thăm.

Thị trấn Nam Đàn hôm nay khác hẳn, đã thay da đổi thịt. Không còn những nếp nhà tranh xưa cũ nữa mà thay vào đó là những mái ngói nhà tầng san sát. Hàng quán bên đường mọc như nấm. Cũng đủ các loại hình kinh doanh từ những mặt hàng ăn uống đến đồ gia dụng, xây dựng, trang trí, dịch vụ…

Ngay con đường 46 cát bụi đỏ lòm mà ngày xưa chúng tôi thỉnh thoảng đi qua cũng mất dấu. Nay là con đường nhựa rộng thênh thang, mặc dù vẫn có những chỗ vá víu lồi lõm lóc xóc hay bụi đường vẫn bốc lên sau những chuyến xe trọng tải nặng nề đi qua. Những chiếc cầu Đước, cầu Miệu… xưa kia ọp ẹp bằng thứ gỗ thô sơ thì nay là bê-tông chắc chắn. Có điều những dòng sông như nhỏ lại bởi sự bồi đắp ở hai bên bờ sông: Do lỗi con người hay lỗi tại thiên nhiên, thời gian?

Hôm nay đây, sau gần 30 năm bôn ba nơi xứ người, tôi mới có dịp để trở lại thăm quê ngoại của Bác ở làng Sen – Kim Liên, nơi mà một thời xa lắm tôi vẫn thường chạy nhảy, lòng bỗng cảm thấy có cái gì đó xốn xang. Cảnh xưa cũ vẫn còn đây, mộc mạc đơn sơ nhưng thấm đẫm tình người. Vẫn chiếc cổng tre nghiêng nghiêng, vẫn hàng rào râm bụt, luống khoai xanh. Vẫn căn nhà lá ba gian mộc mạc với những đồ vật đã bạc màu theo thời gian. Và trên cao kia, hàng tre xanh rì rào như tiếng người thuở xưa vọng về?

Nơi này đã in đậm dấu chân tuổi thơ của Bác.

Nơi này đã in đậm dấu chân tuổi thơ của Bác.

Tôi cứ lặng người đi bên chiếc khung cửi mộc mạc kia như dấu ấn của một thời mà người mẹ hiền của Bác đã tảo tần sớm hôm dệt vải tằn tiện chắt chiu những đồng tiền nhỏ bé nuôi đàn con thơ, giúp chồng lo việc nước. Bên chiếc võng lác lặng im nằm đó, tôi như cảm nhận được tiếng ru hời man mác đậm chất dân ca, ví dặm xứ Nghệ mà thân mẫu của Bác vẫn nhè nhẹ đưa cậu bé Coong (tên lúc bé của Bác) vào giấc ngủ chập chờn của tuổi ấu thơ…

Tiếng võng đưa hay là tiếng dệt vải của mẹ hiền?

Tiếng võng đưa hay là tiếng dệt vải của mẹ hiền?

Ngay cả khi hai anh em chúng tôi bước từng bước chân chậm rãi theo bậc đá núi lên thăm ngôi mộ thân mẫu của Bác là bà Hoàng Thị Loan, cái phút giây đầy ngạc nhiên là nắng bỗng bừng lên! Bởi trước đó, bầu trời hãy còn hơi mù, nhiều mây. Anh em tôi cười vui và bảo nhau: Chắc bà hiểu tấm lòng thành của anh em ta mà xua mây đi chăng? Vừa thắp những nén hương thơm mua dưới chân núi, anh em tôi vừa kính cẩn cầu mong bà linh thiêng phù hộ cho non sông nước Việt luôn luôn được thái bình, muôn dân được no ấm, hạnh phúc!

Trong nắng chiều hiếm hoi của mùa đông, thấp thoáng những bóng mây trắng trên cao giữa khoảng trời xanh. Phía ngoài bãi cỏ xanh rộng trước nhà ngoại của Bác là những chú bò vàng nhẩn nha gặm cỏ. Có chút gì đó khó nói trong tôi khi nhận thấy lẽ ra trước cửa nhà ngoại của Bác nên chăng có tấm biển chỉ rõ hướng đi rẽ vào nhà Bác? Bởi quanh đó chỉ thấy những nhà hàng bán quà lưu niệm (dãy nhà này và các công trình phụ khác chưa được hài hòa lắm). Cổng vào nhà ngoại của Bác rất khó nhận ra, chúng tôi vừa đi vừa hỏi, vì cảnh quan quá thay đổi. Chưa nói tới việc cạnh chiếc cổng tre nhà Bác chừng vài mét có một cây cột điện trên là cái loa phóng thanh, cột hơi nghiêng nghiêng (không rõ vì lí do gì) mà chưa hề được chỉnh lại.

Trong tâm trạng trầm tư nên khi sang thăm quê nội của Bác ở làng Kim Liên, tôi đã phải ngạc nhiên rất nhiều và cũng nhận thấy một đôi điều khó nói mà lòng cứ mãi phân vân… Bởi cảnh quan của bên này lại hết sức rộng rãi và rất hoành tráng (nó khác hẳn với không khí, cảnh quan lặng lẽ ở bên nhà ngoại của Bác). Có thể nói chính quyền địa phương đã rất chú trọng đầu tư xây dựng để khu tưởng niệm Bác cũng như danh lam thắng cảnh quanh khu nhà nội của Bác được đẹp đẽ.

Bởi thế, tôi thấy giá như quê ngoại Hoàng Trù của Bác cũng được làm đẹp đẽ phong quang như quê nội thì sẽ hài hòa biết bao...
 
(Vinh – Làng Sen – Hoàng Trù, một chiều đông đầu năm 2013)

Võ Hoài Nam