Mồ hôi đắng trên trái vải vào Australia

Australia đang là mùa đông với nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C, nhưng tôi vẫn nhìn thấy rất rõ những giọt mồ hôi rịn ra trên trán anh khi nhận được thông báo lô vải thiều 500kg của anh bị giữ lại vài ngày do có rác và sâu.

Chúng tôi đã mất cả buổi chiều theo anh ra đây - Trung tâm kiểm dịch hàng nông sản nhập khẩu thuộc Sở Nông nghiệp bang New South Wales, Australia - để chờ đón lô vải thiều đầu tiên từ Việt Nam tới Sydney với sự hứng khởi vô cùng, song phải chứng kiến nhiều vấn đề phát sinh ngoài mong đợi, nên phần nào thấu hiểu cái cảm giác lo lắng đó của anh.

Mồ hôi đắng trên trái vải vào Australia - 1

Đã có tổng cộng 40 tấn vải thiều được xuất sang Australia. (Ảnh: Sao Băng)

Sau 12 năm đàm phán khó khăn để có được cái “gật đầu” từ phía Australia, chặng đường còn lại là đưa trái vải thiều vào bán trên thị trường nổi tiếng khó tính này cũng không đơn giản. Hành trình đưa trái vải sang Australia có thể hiểu nôm na rằng sau thỏa thuận được ký kết giữa một công ty xuất nhập khẩu hàng nông sản ở Austrlia với một chủ đầu tư ở Việt Nam, vải thiều được lựa chọn, làm sạch, cắt cuống, nhúng vào nước lạnh 5 độ C, rồi được vận chuyển trong xe lạnh cũng 5 độ C để vào Thành phố Hồ Chí Minh chiếu xạ, đóng thùng đưa lên máy bay sang Australia.

Thế nhưng, trong hơn 40 tấn vải thiều đưa sang xứ “chuột túi” trong năm đầu tiên thử nghiệm của 9 nhà nhập khẩu ở Australia, không phải tất cả đều giữ được chất lượng, màu sắc tươi ngon cùng giá thành rẻ. Nguyên nhân là có rất ít lô hàng vượt qua được sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của cơ quan kiểm dịch Australia ngay sau khi được đưa khỏi máy bay. Đa số buộc phải để lại vài ngày, thậm chí hàng tuần để đơn vị kiểm dịch xử lý lại làm sao đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh của họ thì mới được trả cho doanh nghiệp để đưa ra thị trường. Vì thời gian qua khâu kiểm dịch kéo dài, doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí thuê kho lạnh lưu giữ, vải thiều lại là loại trái mau hỏng, nên chất lượng và giá thành bị ảnh hưởng rất lớn. Tất cả chỉ là do các khâu xử lý từ ở Việt Nam “thiếu sự cẩn thận”.

Như lô hàng của anh Hoàng Vi Cao - chủ doanh nghiệp TCT Export ở Sydney - nói trên, chỉ vì do cuống quả vải của một số thùng chưa cắt sát quả theo đúng yêu cầu của Australia, trong các thùng vải vẫn còn lá, cành chưa nhặt hết, một vài quả có sâu ở cuống (loại sâu này sau đó được xác định vô hại đối với cây trồng ở đây), mà toàn bộ lô hàng phải nằm lại ở trung tâm kiểm dịch... 1 tuần liền sau đó. Khỏi phải nói sự sốt ruột của chủ doanh nghiệp như thế nào khi cứ thêm một ngày vải chưa được ra là thêm chi phí cùng với chất lượng quả giảm dần. Khi ra đến chợ, lô vải thiều này phải được các chủ cửa hàng bán với giá 22AUD/1kg (tương đương gần 350.000 đồng/1kg) thì họ mới có lãi. Giá thành cao, ngang với quả cherry lúc đắt nhất, cộng với màu sắc kém tươi, khiến lượng tiêu thụ không được nhanh như kỳ vọng, dù bà con Việt kiều và người tiêu dùng Australia rất háo hức muốn được thưởng thức trái vải tươi từ Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện ở đây.

Lô hàng đầu tiên lỗ, lô hàng thứ hai cũng “móc túi” của chủ doanh nghiệp này vài nghìn AUD. Vẫn một số lỗi như lô đầu, cộng với việc có thể do thấy hàng “chạy” nên doanh nghiệp đầu mối “nghĩ đơn giản hơn” cho thêm vài thùng vải còn thừa từ đợt trước và có thể cũng là để tiết kiệm chi phí hay do lỗi kỹ thuật nên xe lạnh vận chuyển vải vào Thành phố Hồ Chí Minh để nhiệt độ là 16 độ C. Sang đến đây, sau khi thêm vài ngày nằm lại trong kho, vỏ của toàn bộ lô vải chỉ còn màu đỏ xám, doanh nghiệp đành phải bán tháo để giải phóng hàng với giá tại các cửa hàng chỉ còn 15 AUD/1kg.

Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Trưởng đại diện thương mại Việt Nam tại Australia, cho biết quy định kiểm dịch là khâu vướng mắc lớn nhất của đợt nhập hàng thử nghiệm này. Bà nói: “Doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã gặp không ít khó khăn trong việc làm quen với tất cả các tiêu chuẩn, quy định kiểm dịch nghiêm ngặt của Australia, từ vườn trồng, cho đến cơ sở đóng gói cũng như cơ sở chiếu xạ. Và vì vậy mà có một số chuyến hàng vải sang đến đây bị hư hỏng”. Theo quy định cho phép nhập khẩu hàng nông sản của Australia thì trái vải phải không có lá, không cành, không có đất, rác hay bất cứ côn trùng nào và dư lượng thuốc trừ sâu không được quá nồng độ cho phép.

Theo ông Hoàng Huy Khánh, Việt kiều Australia và là Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Đà Lạt, trong đợt nhập khẩu thử nghiệm vải thiều này cùng với công ty ông, Công ty Rồng Đỏ đưa sang số lượng lớn nhất, khoảng 13 tấn, nhưng 13 lô hàng đều không đạt được yêu cầu kiểm dịch của nước này. Ông Khánh cho biết chỉ có lô hàng 2 tấn của công ty ông là lô vải duy nhất được qua thẳng khâu kiểm dịch của Australia ngay trong ngày hàng đến sân bay do đủ tiêu chuẩn nhập khẩu tại đây. Để được như vậy, ông phải đích thân bay về Việt Nam, cùng đối tác chỉ dẫn, giám sát từng khâu từ nơi thu mua đến nơi xử lý, chiếu xạ và xuất khẩu sang Australia.

Dù các lô hàng vải thiều thử nghiệm đầu tiên này đa số đều không mang lại lãi cho các doanh nghiệp nhập khẩu ở Australia, song đối với họ, để trái vải thiều Việt Nam xuất hiện trên các sạp hàng ở Australia đã là một thành công lớn, một niềm tự hào rất lớn và tất cả đều hy vọng, đặt những mục tiêu lớn hơn cho mùa vải thiều năm sau.

Theo Khánh Linh (P/v TTXVN tại Australia)

baotintuc.vn

Mồ hôi đắng trên trái vải vào Australia - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm