Hướng về nguồn cội

(Dân trí) - Hiện có khoảng hơn 3 triệu Việt kiều ở hơn 100 nước thuộc 5 châu lục; vào thời kỳ đổi mới, phần đông đã giải tỏa mặc cảm, hướng về Tổ quốc…

 Tình quê sâu nặng

 

GS Tương Lai kể lại một mẩu chuyện. Hôm ấy giáo sư tình cờ gặp tại sân bay quốc tế Nội Bài những hậu duệ của cụ Kỳ Đồng - nhà yêu nước hồi đầu thế kỷ 20, bị thực dân Pháp đày biệt xứ sang tận đảo Tahiti ở Nam Thái Bình Dương, rồi qua đời ở đấy. Ông Charles, cháu nội cụ Kỳ Đồng, chỉ vào cánh tay mình, nói với giáo sư: “Tôi về nước là theo tiếng gọi của huyết thống. Máu của ông tôi đang chảy trong huyết quản của tôi đây!”

 

Còn anh Reid Heinui, chắt nội cụ Kỳ Đồng, thì hai mắt rưng rưng: “Về đến nước nhà, tôi càng hiểu ra rằng ông cố tôi luôn ở trong trái tim tôi”.

 

Đây là lần đầu tiên họ trở về Việt Nam. Họ không nói được tiếng Việt. Thế nhưng rào cản của ngôn ngữ không thể ngăn họ tìm về nguồn cội.

 

Hướng về nguồn cội - 1

Việt kiều tại Franckfurt họp mặt đón Xuân.

 

Albert Franceskenj sinh năm 1960 tại Sa Đéc. Bố anh là người Pháp, mẹ là người Việt quê ở Trà Vinh. Anh chỉ mang 50% dòng máu Việt, lại đã rời Việt Nam từ năm 1975, khi mới 15 tuổi. Thế nhưng, năm 1999, khi đã 39 tuổi, anh bỗng quay về Việt Nam, mở Công ty tư vấn DC Avocats để khuyến cáo về các thủ tục pháp lý cho các công ty nước ngoài muốn vào Việt Nam, cũng như giúp các công ty Việt Nam muốn xuất khẩu mà không bị thua thiệt. Albert và các đồng nghiệp của anh đã tư vấn cho những tên tuổi nổi tiếng toàn cầu như Dầu khí Total, Siêu thị Bourbon, Thời trang Pierre Cardin, Dược phẩm Sanofi, v.v.

 

Công ty của Albert cũng đã giúp Công ty rau - quả Việt Nam giành phần thắng trong một vụ tranh chấp hợp đồng với giá trị mang về vài trăm nghìn USD. Khi được hỏi tại sao anh quyết định trở về mở công ty tại Việt Nam, Albert nhắc lại một câu ca dao tiếng Việt mà anh đã thuộc từ khi còn bé ở quê hương mẹ anh: “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Rồi anh tươi cười nói thêm: “Ao nhà trong, chứ đâu có đục! Môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng thông thoáng đấy chứ."

 

Những con số không nhỏ

 

Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện có hơn ba triệu người Việt Nam ở hơn 100 nước thuộc 5 châu lục. Đông nhất là số người Việt định cư tại Mỹ, 1.521.353 người. Bà con phần đông đến Mỹ sau năm 1975.

 

Tiếp đến là số người Việt định cư ở Lào và Campuchia, khoảng 600.000 - phần lớn sống tại hai nước láng giềng này từ thời “Đông Dương thuộc Pháp”.

 

Các nước Pháp, Australia, Canada cũng là những nước có nhiều người Việt sinh sống, mỗi nước khoảng một vài trăm nghìn người.

Bằng nhiều con đường khác nhau, một số khá đông người Việt cũng đã định cư tại Vương quốc Anh, Na Uy, Thụy Điển, v.v.

 

Sau khi Liên Xô và nước Đông Âu trải qua những biến cố chính trị trong thập niên 1990, số cán bộ khoa học, sinh viên, công nhân người Việt ở lại những nước đó làm ăn, sinh sống lên tới vài ba trăm nghìn người; đông nhất là ở Liên bang Nga (khoảng 150.000 người), tiếp đến là CHLB Đức (hơn 85.000 người), Ba Lan (khoảng 10.000 người), v.v.
 

Những năm gần đây, nhiều người Việt Nam - hoặc đi xuất khẩu lao hoặc do kết hôn với người nước ngoài - đã và đang sinh sống, làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, v.v.

 

Khép lại quá khứ, giải tỏa mặc cảm
 

Hơn ba triệu người Việt Nam đã rời đất nước ra đi trong những hoàn cảnh không giống nhau. Rất nhiều người đã ra đi sau những biến động chính trị ở trong nước, do bất đồng chính kiến. Nhưng cũng có không ít người rời đất nước chỉ hoàn toàn do kế sinh nhai. Và nhiều người khác vốn là con em cán bộ, trí thức trong nước được cử sang Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước đây để công tác, học tập; hoặc gần đây, được gửi đi xuất khẩu lao động tại một số nước và vùng lãnh thổ ở châu á, châu Phi.

 

Dù ra đi trong hoàn cảnh nào thì, giờ đây, với đường lối đổi mới, cởi mở của Nhà nước ta, bà con cũng không ai còn bị kỳ thị nữa. Giải tỏa mặc cảm, năm 2004, ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên phó tổng thống chính quyền miền nam Việt Nam trước đây, đã về thăm đất nước sau gần ba thập niên xa cách; và ông thừa nhận rằng chuyến thăm đã để lại cho ông nhiều ấn tượng tốt đẹp.

 

Hướng về nguồn cội - 2

Việt kiều họp mặt đầu Xuân.

 

Ở độ tuổi tám mươi, nhạc sĩ Phạm Duy quyết định trở về sống hẳn tại Việt Nam.

 

Sau hơn nửa thế kỷ nghiên cứu âm nhạc Việt Nam và phương Đông tại Paris, gần đây, GS Trần Văn Khê đã trở về định cư tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Sau hơn 20 năm làm việc tại Liên bang Nga, nhạc sĩ Nguyễn Thiếu Hoa cũng đã trở về Hà Nội, chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và mang lại cho dàn nhạc một sức sống mới.
 

Nhiều nhà khoa học người Việt nổi tiếng như ông bà GS Trần Thanh Vân, cũng như các Giáo sư Frédéric Phạm, Lê Dũng Tráng, Trịnh Xuân Thuận, Nguyễn Quang Riệu, Phạm Xuân Yêm, Trương Nguyễn Trân, Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn, Phạm Hữu Tiệp, Lê Tự Quốc Thắng, Vũ Kim Tuấn, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Hồng Thái, Đinh Tiến Cường, Lê Hồng Vân, v.v., tuy vẫn sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng luôn tìm mọi cách giúp đỡ các bạn đồng nghiệp cũng như các em học sinh, sinh viên ở trong nước.

 

Còn những người Việt Nam trẻ tuổi hơn ở nước ngoài như Jazzy Dạ Lam hay Jennifer Phạm, do chẳng mặc cảm gì về quá khứ, nên luôn nồng nhiệt tìm mọi cơ hội để trở về với quê cha đất tổ.

 

Nếu năm 1987 chỉ mới có 8.000 người Việt Nam ở nước ngoài trở về thăm đất nước, thì đến năm 2011, con số đó đã lên tới hàng triệu.

 
Hơn ba triệu người Việt Nam ở nước ngoài cũng là “con Lạc, cháu Hồng”, là một bộ phận cấu thành của dân tộc Việt Nam.

 

Theo Hàm Châu

DVT