Hàn Quốc: "Ngàn lẻ một" chiêu người Việt lừa người Việt

(Dân trí) - Thời gian gần đây, sở cảnh sát Kiengnam (Hàn Quốc) đã bắt giữ ba người Việt trong đường dây lừa đảo lấy cắp ô tô của những lao động bất hợp pháp. Nói chung, người Việt ở Hàn Quốc đa phần bị lừa bởi chính những người “đồng hương”.

Hàn Quốc: Ngàn lẻ một chiêu người Việt lừa người Việt


Vì thế, trong nhiều giao dịch buôn bán, có câu cửa miệng “ai bán thế, người Việt à, người Việt thì không tin được đâu”. Khi xưa thì “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng giờ có vẻ sâu ngày càng đông, càng nguy hiểm. Sâu làm chật nồi canh chứ không còn ở mức làm rầu nồi canh nữa.

Hiện nay có hơn 100 ngàn người Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc. Toàn chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi” nhưng không ít người vẫn bị lừa. Bằng những kinh nghiệm của mình, tôi xin viết ra đây một số chiêu trò lừa cơ bản nhất để mọi người chú ý.

1. Mua sắm qua mạng, nhận hàng không chuyển tiền hoặc nhận tiền không chuyển hàng

Với người Việt Nam ở Hàn Quốc, có hàng ngàn các cửa hàng, cá nhân làm ăn nhỏ, đủ loại từ điện thoại, máy ảnh, máy tính cho tới thực phẩm, mỹ phẩm, đồ dùng… Không ai quản lý các cửa hàng mua bán như thế này, chỉ là thuận mua vừa bán. Nhiều khi, bên mua không tin bên bán, và bên bán không tin bên mua.

Bên bán thì yêu cầu bên mua chuyển tiền trước, còn bên mua thì yêu cầu bên bán chuyển hàng trước. Khi đã có tiền hoặc hàng thì lòng dạ thay đổi, không thực hiện nốt nghĩa vụ còn lại là chuyển hàng hoặc trả tiền.

Lướt qua các trang mua bán hằng ngày thấy cả núi các bình luận “ chửi bới” giữa hai bên. Vì vậy, khi quyết định mua gì, các bạn hãy tìm hiểu kỹ trước khi chuyển tiền. Đừng dại “thả gà ra đuổi”.

Ngoài ra, việc quảng cáo về chất lượng cũng không dễ tin, thường quảng cáo thì thứ gì cũng xịn, mới, hoạt động tốt, nhưng khi đã mua về thì…

2. Mượn chứng minh thư, đi mua điện thoại trả góp

Không ít người tá hoả tự dưng có hoá đơn điện thoại lên tới cả triệu won trong khi mình dùng điện thoại cùi bắp. Thậm chí lúc ra tới hải quan sân bay rồi thì được thông báo khoản nợ không tưởng mà không biết nó hình thành tự bao giờ.
Ở Hàn, chỉ cần có chứng minh thư có thể làm được rất nhiều thứ, làm thẻ ngân hàng, mua điện thoại trả góp, đăng ký khuyến mại internet, đăng ký các trang mua sắm của Hàn… Vì vậy, cần phải giữ nó cẩn thận, đừng bao giờ đưa cho ai.

Cách đây chừng 2 năm, trong trường Đại học Changwon cũng có một nhân vật nổi tiếng với chiêu mượn chứng minh thư để mua điện thoại trả góp về bán. Với danh sinh viên, hắn đi lừa người Việt Nam, tới cả người nước ngoài, làm “dậy sóng” cả trường. Sau những phi vụ đó, người Việt bị được người Hàn Quốc đề cao cảnh giác, kể cả với sinh viên trong trường Đại học.

3. Bán vé máy bay, nhận tiền xong huỷ vé

Một ngày đẹp trời với bao nhiêu háo hức xách va li về thăm quê hương. Khi ra tới sân bay làm thủ tục thì nhận được hung tin, vé đã bị huỷ. Lúc gọi lại số máy người bán thì không liên lạc được. Lúc đó thì biết tìm ai? Thực tế thì việc quản lý bán vé khá dễ dãi nên việc đặt vé, huỷ vé để nhận lại tiền là việc không khó để làm.

Với những người bán vé dạo không có đạo đức, tự dưng kiếm được mấy trăm ngàn won/1 vé thì còn gì bằng, một tháng chỉ cần lừa 3-4 vé là có thể bằng đi cày ngày cày đêm trong nhà máy rồi. Vì vậy, nếu không tin tưởng thì tốt nhất đừng vì rẻ mà ham hố đặt vé từ những người bán vé máy bay dạo.

4. Môi giới lao động

Với những người mới sang Hàn tìm việc làm, tự dưng có những “ông anh” tử tế lạ thường đến giúp đỡ tìm việc thì còn gì bằng. Để giúp đỡ tìm được những công việc với mức lương cao, các ông anh đó yêu cầu trả 1-2 tháng lương để làm phí môi giới và đưa ra những lời hẹn đi làm. Nhưng khi tiền chuyển xong thì các “ông anh” mất tích, các “ông em” lao động bất hợp pháp biết tìm ai?

5. “Mượn” thẻ ngân hàng, đi mua sắm

Với chiếc thẻ ngân hàng, bất kỳ ai đều có thể mua sắm một cách dễ dàng trong các siêu thị. Khi làm rơi, hoặc sơ hở có thể bị kẻ gian mang đi mua sắm thoả thích. Thực tế thì các siêu thị đều có hệ thống camera ghi lại hình ảnh người thanh toán, nếu mất tiền báo cảnh sát, họ có thể đưa cho xem các video để nhận dạng kẻ tình nghi. Tuy nhiên, với những lao động bất hợp pháp thì làm gì cũng sợ, nhất là dính dáng tới pháp luật nên chỉ biết im lặng.

6. Môi giới lao động bất hợp pháp thành hợp pháp

Gần đây, có các đường dây môi giới nói là lao động bất hợp pháp có thể ký hợp đồng để trở thành hợp pháp nếu nộp mấy triệu won. Các bạn chú ý là hiện nay ở Hàn chưa có luật nào cho phép biến các lao động bất hợp pháp thành hợp pháp. Vì vậy, chuyển tiền cho các đường dây này, lao động bất hợp pháp bị mất tiền cũng không báo cảnh sát được.

7. Hack nick facebook rồi chat hỏi vay tiền

Trò này ở Việt Nam thì quá nhiều rồi, nhưng ở Hàn thì vẫn bị lừa như thường. Tự dưng một người anh chị em thân thiết bảo có việc rất gấp rồi bảo chuyển tiền cho mượn vài trăm ngàn won. Bạn rất hồn nhiên chuyển tiền mà không có thắc mắc gì, tới lúc điện thoại hỏi thì chủ nhân bảo “đâu có đâu”.

Lúc này ngộ ra thì đã muộn. Vì thế, trước khi ai hỏi vay mượn tiền, tốt nhất nên gọi điện hỏi trực tiếp trước, nếu bên kia không trả lời vì bất cứ lý do gì thì tốt nhất, không chuyển tiền.

Tôi viết ra đây những chiêu lừa hay gặp nhất trong cộng đồng người Việt sinh sống ở Hàn Quốc. Các anh chị em đã phải xa quê hương sang đây làm ăn, kiếm đồng tiền đã rất khó khăn. Vì vậy, hãy cẩn thận với ví tiền của mình để hạn chế làm mồi cho bọn lừa đảo.

Nguyễn Văn Phương
Từ Hàn Quốc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm