Đêm Hà Nội giữa lòng Wasaw
“Câu lạc bộ Hà Thành” được thành lập ngày 8/12 tại nhà hàng Li Li Wasaw, cùng với kỷ niệm 40 năm “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không”.
Chúng tôi không thuộc thành phần "Người Hà Nội" vì chẳng được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng cũng có thâm niên gần hai mươi năm học tập, làm việc và sống ở Thủ đô, vì vậy Hà Nội cũng rất yêu quý và tự hào trong mỗi một người chúng tôi- thế cũng đủ để xem mình là người "yêu Hà Nội" rồi chứ nhỉ?
Điều gây bất ngờ nhất khi bước chân vào tầng năm của nhà hàng LiLi là khung cảnh khác lạ so với những lần trước. Mọi người ăn mặc rất đẹp và lịch sự, rất "Hà Nội". Rất đông người đến tham dự. Tôi hơi ngạc nhiên vì nhiều lứa tuổi có mặt ở đây, các ông bà già, các cháu bé cũng góp mặt rất vui vẻ. Các chị đã lớn tuổi, ngày thường ăn mặc giản dị là vậy, bây giờ tôi thực sự không nhận ra họ vì những tấm áo dài và mái tóc được sửa sang kiểu cách. Có chị để mái tóc xõa dài mềm mại, có chị tóc vấn lên, chải rẽ lệch ngôi, cặp sang hai bên như những phụ nữ Hà Nội ngày xưa. Trông họ trẻ ra, xinh đẹp mặn mà và thướt tha đến ngỡ ngàng. Những cô gái trẻ ăn mặc và để tóc đa dạng hơn, nhưng tất cả đều toát lên phong thái của người Hà Nội - thanh lịch và đằm thắm. Mọi người chào đón nhau hồ hởi, ai cũng như đang đứng trong chính ngôi nhà của mình, với những cử chỉ chào mời của chủ nhà dành cho khách quý. Lòng tôi tự nhiên ấm áp vô cùng. Ước gì cứ như thế này mãi để thấy mình không hề xa Hà Nội.
Bạn sẽ không hình dung được giữa lòng Wasaw xuất hiện xe kéo và xích lô đâu nhỉ? Vậy mà hai phương tiện đặc thù của Hà Thành này lại xuất hiện tại đây. Chiếc xe kéo đưa ta quay trở về thời trước giải phóng thủ đô, hai chiếc xích lô được che bởi mái dù màu đỏ, đặt ngay lối ra vào như khẳng định ta đang ở trong lòng Hà Nội. Tôi rất thán phục ý tưởng và lòng nhiệt tình của những người con Hà Nội, đã đưa được những phương tiện quê nhà sang tận xứ sở xa xôi này.
Vào khu vực dành cho buổi lễ, tôi thấy mình đang đứng trên "Phố Hàng Hành" (Hà Nội). Với tấm bảng màu xanh và dòng chữ màu trắng ghi tên phố không thể là địa danh nào khác được. Mọi người đã tề tựu đông đủ, số lượng ghế theo dự tính ban đầu đã quá tải. Chị Kim Dung thay mặt ban tổ chức lên đọc lý do thành lập câu lạc bộ và hướng hoạt động tiếp theo. Ông Nguyễn Hoằng thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Ba lan, ông Lê Thiết Hùng thay mặt Hội người Việt tại Ba lan và một số đại biểu của các hội đoàn khác phát biểu cùng với quà mừng và những lẵng hoa tươi trao tặng. Tiếp đến giới thiệu Ban chấp hành lâm thời (tạm bầu chọn với nhau 15 người). Những khuôn mặt cả nam và nữ lần lượt lên khán đài trong tiếng vỗ tay của mọi người. Tôi thầm nghĩ họ thật xứng đáng là các hạt nhân của câu lạc bộ này.
Phần thủ tục chính đã xong. Anh Nguyễn Đức Vượng - một trong những người tích cực của cộng đồng Việt tại Ba lan, tiếp quản phần văn nghệ. Những bài hát chỉ riêng về Hà nội được các ca sỹ cộng đồng thể hiện, lúc mượt mà đằm thắm, lúc kiêu hãnh tự hào…Dàn đồng ca "Năm cửa Ô” dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đức Vượng với ca khúc "Hà Nội niềm tin và hy vọng" và "Hà Nội những công trình", đã đưa khán giả trở về với những năm tháng hào hùng, oanh liệt. Các ca sỹ cộng đồng một lần nữa có dịp cất lên tiếng hát của mình để ngợi ca thủ đô yêu dấu bằng các ca khúc: Hà Nội một trái tim hồng (anh Hòa Oanh), Hoa sữa (chị Oanh Hòa), Hà Nội có em (anh Hùng và chị Hồng Yến), Hà nội và tôi (anh Tuân), Em ơi Hà Nội phố (chị Thủy) v.v…Đặc biệt với sự tham gia của Phương Anh, màn múa "Người ơi người ở đừng về" đã níu giữ những ai trót "yêu" câu lạc bộ, xin đừng về vội vì còn nhiều điều thú vị chưa xuất hiện.
Hai thiếu nữ Hà Nội đi bán hàng rong với gánh hoa tươi và quà vặt đang tiến vào "Phố Hàng Hành" với lời chào mời đon đả. Tôi nhìn thấy những củ sắn, khoai lang, củ lạc tươi nguyên vỏ, bắp ngô, củ từ…đã được luộc chín, thơm ngon hấp dẫn. Phía còn lại của gánh hàng là mẹt bánh đúc đã cắt sẵn từng miếng nhỏ với lọ tương Bần bên cạnh. Kẻ mua người bán hồn nhiên như cuộc sống hàng ngày ở phố phường Hà Nội.
Đi dọc hành lang của nhà hàng, có những bức ảnh về phong cảnh và con người Hà Nội được dựng san sát nhau, như ven các hồ trong những ngày mát mẻ. Các bạn bè Ba Lan được dịp thưởng thức môn nghệ thuật vẽ tranh của Việt Nam, nhìn họ say mê ngắm và chụp ảnh lưu niệm, giống mấy vị khách nước ngoài mỗi khi có dịp sang Việt Nam vậy. Trước mắt tôi là khu ẩm thực thân quen của người Hà Nội ngày nay (chỉ khác là ở đây ăn miễn phí). Những quán nước chè với mấy gói kẹo lạc, kẹo vừng, và dăm ba vị khách ngồi nhâm nhi. Những quán ăn dân dã vỉa hè được tái dựng lại rất sống động bởi các cô bán hàng xinh đẹp, tươi tắn: quán bánh ngọt vừa đẹp mắt, vừa thanh lịch là những cái bánh xu xê, bánh chín tầng mây. Bên cạnh là bàn bày đủ các loại xôi: xôi đỗ, xôi sắn, xôi lạc…tùy khách lựa chọn. Món bánh đa kê được nhiều người ưa thích xếp hàng chờ đợi, nên có đến hai người phục vụ vẫn không kịp.
Còn nhiều đặc sản nữa tôi không kể hết. Các loại chè thập cẩm mát lạnh dùng sau bữa ăn cũng không kém phần hấp dẫn. Nhưng vất vả nhất vẫn là các chị ở các món ăn nóng, để có được bát phở bò, phở gà, hay bát bún cá, bún thang nổi tiếng…vừa ăn vừa thổi nóng hổi, họ phải luôn tay gắp cái nọ, chan cái kia. Nhìn những "thượng đế" đang xuýt xoa khen ngon, tôi càng thấy quý trọng sự tận tụy vì khách hàng của họ. Các món ăn cứ xen kẽ với nhau, giống hệt trên các vỉa hè Hà Nội- tấc đất tấc vàng. Bánh tôm Tây Hồ, bánh rán nhân thịt, bánh chưng…và cả nộm su hào trộn thịt bò khô đang có ở ngay cạnh. Bất chợt tôi thấy mình như đang sống thủa gần 40 năm trước đây- thời đang là sinh viên đại học, với những mùa thi học kỳ căng thẳng, mấy đứa con gái hay rủ nhau trốn học, nhảy tàu điện ra bờ hồ Hoàn Kiếm chỉ để ăn một đĩa nộm xu hào trộn với thịt bò khô, cay xè cả lưỡi, trong cái rét căn cắt của mùa đông. Chỉ vậy thôi, rồi cả lũ lại tất tả quay về kẻo bị khiển trách. Hà Nội trong tôi đầy ắp kỷ niệm và thân thiết vô cùng, với tôi ở đây chỉ còn thiếu tiếng tàu điện kêu leng keng…
Mọi người đã lác đác ra về, ai tham gia phần nhảy vũ hội tiếp tục ở lại với các bản disco, val…nhẹ nhàng và uyển chuyển. Tôi ao ước sẽ còn được tiếp tục hiểu thêm về con người Hà nội xưa: đàn ông tính cách ôn hòa, lịch lãm và khôn khéo; phụ nữ thanh lịch, tinh tế, dịu dàng và đằm thắm. Tất cả nhờ vào các anh, các chị- những người con của Hà Nội đang ở xứ người. Tôi cảm phục những phụ nữ đã nhiệt tình không quản khó khăn làm nên một Hà Nội giữa lòng Wasaw.
Đi giữa mênh mông tuyết trắng với cái lạnh âm 10 độ, tôi thấy lòng mình rất bình yên và ấm áp tình người.
Theo Nguyễn Mai Lê
Quê Việt