Chuyện hồi hương của một gia đình Việt kiều
Sau nhiều năm du học Nhật, làm việc tại Nhật và châu Âu, ông Vũ Tất Thắng, cựu Phó Tổng đại diện của Tập đoàn Itochu (Nhật) tại Việt Nam, cho biết trở về quê hương sinh sống, làm việc là quyết định đúng đắn của ông.
Là một trong những Việt kiều về nước cách đây 20 năm, ông đã có nhiều đóng góp trong việc tư vấn cho các nhà đầu tư Nhật thành lập khoảng 10 công ty liên doanh và 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có các Công ty Isuzu, Inax, Vinakyoei, Kao...
Sau 2 nhiệm kỳ làm Tổng đại diện của Công ty Isuzu Mortor khu vực châu Âu tại Đức vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, ông Thắng quay lại Tokyo vào năm 1992. Đây cũng là lúc Việt Nam bắt đầu đổi mới kinh tế mạnh hơn theo cơ chế thị trường. Và đây chính là lý do đã thôi thúc ông quyết định trở về với quê hương.
Nhắc lại chuyện lần đầu về thăm quê hương, ông cho biết: “Trong thời gian làm việc tại châu Âu, tôi đã tìm cách về thăm gia đình tại TP.HCM. Năm 1988, sau một hội nghị ở Tokyo, tôi xin phép nghỉ một tuần và trên đường trở lại Đức, tôi đã ghé Bangkok để tìm cách về nhà. May mắn là có một công ty du lịch tổ chức tour thăm TP.HCM và Vũng Tàu 5 ngày và tôi đã mua tour này với hộ chiếu Nhật, hồi hộp đợi ngày về sau 27 năm xa cách.
Đại gia đình của ông Vũ Tất Thắng
Sau khi về tới TP.HCM, nhận phòng khách sạn xong, tôi thuê 2 chiếc xích lô; một chở tôi, một chở vali về ngã 3 Ông Tạ, Tân Bình nơi gia đình tôi sinh sống. Lúc gặp lại mẹ tôi, bà cụ cứ ngỡ như đang mơ, lặng đi vì cảm động, còn tôi thì rưng rưng khóc. Tôi đã dành trọn 5 ngày để hàn huyên với gia đình và bạn bè. Sau đó, mỗi năm tôi đều xin nghỉ phép về thăm nhà và nhân tiện, tìm hiểu tình hình kinh tế, xã hội của đất nước. Từ những chuyến đi này, tôi cảm thấy Việt Nam đã thật sự đổi mới.
Cuối năm 1991, ông Thắng đưa vợ con về thăm quê hương và bàn bạc với vợ về việc hồi hương. Cuối năm 1992, sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai tại châu Âu, ông đề nghị với lãnh đạo của Isuzu Mortor được chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp có góp vốn với công ty là Itochu và đã được chấp thuận. Về Itochu, theo đề xuất, ông được Tập đoàn cử sang Hà Nội làm Phó Tổng đại diện tại Việt Nam.
Sau 3 năm làm việc tại đây, năm 1996, ông chuyển về lại Isuzu Motor và giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc Isuzu Việt Nam. Thời gian này, kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt bậc, đời sống dân chúng được cải thiện rõ rệt. Nhờ kinh nghiệm sinh sống ở Nhật trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao độ, ông Thắng đã đem số tiền tích lũy được sau nhiều năm ở châu Âu về Việt Nam đầu tư vào một số lĩnh vực, trong đó có bất động sản và đã thu được thành công.
Nếu nhiều nhà đầu tư than phiền rằng ngoài yếu kém về cơ sở hạ tầng, hệ thống hành chính của Việt Nam còn rườm rà, thiếu thông thoáng thì bằng kinh nghiệm của một người đã về nước đầu tư, ông Thắng lại có cách nhìn nhận vấn đề khá nhẹ nhàng. Ông nói: “Chúng ta nên coi những hạn chế này như một thứ thuế và thuế này chắc chắn sẽ ngày một giảm theo đà cải cách hành chính. Nhà đầu tư nên kiên nhẫn và kiên trì để vượt qua các trở ngại nhất thời này”.
Từ kinh nghiệm của mình, theo ông Thắng, những trí thức Việt kiều như ông nếu trở về Việt Nam càng sớm thì càng có nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp. Vì thế ngay từ khi về nhậm chức tại Hà Nội, ông đã khuyến khích các con ông hồi hương sinh sống và làm việc. “Khi 3 con của tôi về thăm họ hàng, tôi đã trao đổi với chúng về việc kinh tế Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với kinh tế Nhật những năm 1960-1980 - tăng trưởng cao độ và ổn định, tạo nhiều cơ hội khởi nghiệp và ứng dụng các phương thức kinh doanh tiên tiến”, ông cho biết.
Theo lời khuyên của cha, các con của ông Thắng gồm 1 gái, 2 trai, 1 con rể và 2 con dâu người Nhật đã lần lượt trở về và đến Việt Nam lập nghiệp. Năm 1998, con gái đầu và con rể của ông xin nghỉ việc tại ngân hàng Daiichi Kangin về Việt Nam thành lập công ty chuyên phân phối hàng cho siêu thị. Tiếp đến, con trai thứ xin nghỉ tại một công ty của Nhật về nước thành lập công ty riêng về lĩnh vực xây dựng. Một năm sau, cậu con trai út cũng quyết định về mở công ty thiết kế phần mềm. Hiện nay, các công ty do các con ông Thắng điều hành đã sử dụng khoảng 500 công nhân và chuyên làm hàng xuất khẩu sang Nhật, châu Âu, Úc và Mỹ.
Con rể của ông là anh Kenji hiện đã nói tiếng Việt khá sõi. Trong một lần trà dư tửu hậu, anh đã thổ lộ: “Cha ơi, Việt Nam quả là thiên đường”. Nói thế, bởi khi làm việc ở ngân hàng tại Nhật, anh phải làm việc từ sáng tới khuya nhiều ngày trong tuần, trong khi ở Việt Nam, anh chỉ phải làm việc đến 6 giờ 30 chiều. Nếu không phải tiếp khách nước ngoài, anh còn có thời gian học đánh tennis mỗi tuần 3 lần. Buổi tối, anh còn có thể dễ dàng về ăn cơm cùng vợ và 3 con nhỏ, do nhà ở sát văn phòng.
Ông có 2 con dâu và 1 con rể sinh ra và lớn lên ở Nhật nhưng kể từ khi sang Việt Nam đến nay họ đều thỏa mãn với cuộc sống và công việc. Con dâu cả của ông là giáo viên dạy nhạc cho một trường phổ thông dân lập quốc tế tại TP.HCM; con dâu út là giám đốc quan hệ khách hàng của Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore. Cả 2 đều rất yêu thích văn hóa Việt Nam.
Điều ông Thắng tâm đắc khi về nước là so với Nhật, giá sinh hoạt ở trong nước khá rẻ. Một tô mì ở Tokyo giá 8-10 USD trong khi một tô phở ở TP.HCM giá chỉ từ 20.000-30.000 đồng (khoảng 1-1,5 USD). Một ký gạo ngon có giá 6-7 USD ở Tokyo thì ở TP.HCM chỉ có giá 15.000 đồng. Theo tính toán của ông, nếu có nhà ở thì một gia đình 4-5 người chỉ cần khoảng 1.200 USD/tháng là có thể sống thoải mái ở Việt Nam. Về du lịch thì phải nói Việt Nam là đất nước có nhiều điểm đến tuyệt vời như Vịnh Hạ Long, Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc...
Từ kinh nghiệm của một gia đình Việt kiều có 3 thế hệ đã hồi hương, ông Thắng đúc kết: “Trước khi ra quyết định, chúng ta nên đánh giá các yếu tố cần thiết rồi đưa chúng vào một bảng gọi là bảng lợi ích - thua thiệt. Nếu có kết quả dương là được rồi. Vì vậy, thay vì nản chí khi đối mặt với sự thiếu thông thoáng trong thủ tục hành chính, các Việt kiều thế hệ tôi nên trở về và tích cực đóng góp cho quê hương bằng nhiều hình thức, đề xuất những chính sách thu hút chất xám của trí thức Việt kiều, mở rộng đường cho con cháu thế hệ Việt kiều thứ hai, ba trở về trong tương lai”.
Theo Nhịp cầu đầu tư