Cần Thơ: Thiếu hàng trăm phòng học và phòng chức năng

(Dân trí)- Theo Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, hiện nay TP còn thiếu hàng trăm phòng học và phòng chức năng để phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh

Sở GD-ĐT TP Cần Thơ vừa tổ chức tổng kết công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục (PCGD) năm 2012. Tại hội nghị, lãnh đạo Sở cho biết, cho đến nay TP đã đạt chuẩn về chống mù chữ, PCGD Tiểu học đúng độ tuổi, PCGD THCS từ nhiều năm qua. Công tác huy động học sinh (HS) trong độ tuổi Tiểu học, THCS, THPT, Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), Trung cấp nghề (TCN) của một vài quận, huyện đạt tỷ lệ ngày càng cao. Công tác bổ túc văn hóa, PCGD đã thu hút một bộ phận thanh niên, thiếu niên không có điều kiện theo học chính quy vào học ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, qua khảo sát hiện nay mạng lưới trường lớp tuy có phát triển nhưng trong 85 xã, phường, thị trấn chỉ có 62 trường THCS; một số địa phương không có trường THCS do mới chia tách. Số lượng trường THPT phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu. TP còn thiếu quỹ đất để xây dựng trường chuẩn quốc gia các cấp học, nhất là ở bậc học Mầm non.

Lãnh đạo Sở cho hay, mặc dù địa phương có nhiều cố gắng chăm lo cho công tác PCGD Mầm non cho trẻ 5 tuổi, nhưng hiện nay cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng kịp theo yêu cầu. Hiện tượng học nhờ trường Tiểu học ở vùng nông thôn và quá tải ở khu vực thành thị vẫn còn phổ biến. Mạng lưới trường lớp Mầm non chưa đủ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân trên địa bàn, thiếu phòng học dành cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày. Tính đến tháng 10/2012, toàn TP còn thiếu 232 phòng học (công lập thiếu 191 phòng học, ngoài công lập thiếu 41 phòng) và 819 phòng làm việc, 244 phòng chức năng.

Trong khi đó, vẫn còn 3 huyện chưa có trường trọng điểm; 5 xã, phường chưa có trường Mầm non, Mẫu giáo; 12 trường Mầm non chưa có cơ sở vật chất, hiện đang phải học nhờ trường Tiểu học hoặc nhà dân. Số trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp (24/142 trường, đạt tỷ lệ 17,61%).

Mặc dù TP Cần Thơ là TP trực thuộc Trung ương nhưng một số huyện có địa bàn rộng, dân cư còn phân tán nên gặp khó khăn cho việc đi lại của HS. Bên cạnh đó, còn có một số vùng hàng năm thường bị lũ lụt, thiên tai, ảnh hưởng nặng đến cơ sở hạ tầng, làm cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn về kinh tế, một số hộ dân hàng năm phải đi làm ăn xa, thiếu quan tâm chăm sóc con em, chất lượng học tập ở một số em còn hạn chế dẫn đến một số đối tượng phổ cập phải lưu ban, bỏ học.

Sở GD-ĐT TP đánh giá, hầu hết các địa phương còn lúng túng, chưa có giải pháp để phân luồng HS tốt nghiệp THCS đi vào học trong các trường TCCN, TCN, đa số phụ huynh HS không muốn cho con vào học trường nghề sau khi tốt nghiệp THCS mà muốn con em mình học lên Đại học do vậy việc phân luồng gặp không ít khó khăn. Một số HS không vào học lớp 10 THPT do khống chế số lượng tuyển sinh đầu vào nên những em đó phải bỏ học. Qua thống kê, trong năm 2012, số HS tốt nghiệp THCS vào học TCCN, TCN chỉ đạt 0,97% và tỷ lệ đối tượng từ 18 - 21 tuổi có bằng tốt nghiệp THPT, TCCN, TCN của toàn TP cũng rất thấp (đạt tỷ lệ 54,54%).

Để nâng cao công tác chống mù chữ, PCGD, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho rằng cần đầu tư xây dựng thêm trường THPT, THCS, phòng học, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập, cung ứng thiết bị, đồ dùng dạy học cho các trường Mầm non, Tiểu học và THCS, THPT đáp ứng yêu cầu giảng dạy, duy trì được sĩ số HS, nâng cao chất lượng giáo dục và góp phần nâng cao tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó cần quy hoạch mạng lưới trường học THCS, THPT và xây dựng thêm nhiều trường dạy nghề phục vụ nhu cầu đa dạng hóa các loại hình trường học, đảm bảo cho HS học tập và trở thành những người lao động có tay nghề, có trình độ, năng lực chuyên môn vững vàng.

Ngoài ra, để tăng tỷ lệ HS sau khi tốt nghiệp THCS vào học TCCN, TCN, TP cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm nghề trực thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội tại các quận, huyện, nhất là các huyện vùng sâu.

Trong năm 2013, Sở GD-ĐT TP cho biết sẽ tiếp tục đa dạng hóa hình thức học tập ngoài công lập, tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội học tập, phối hợp dạy phổ cập với dạy nghề để thu hút ngày càng cao số trẻ bỏ học đến trường. Lãnh đạo Sở cũng sẽ tham mưu với UBND TP ban hành một số chính sách giáo dục bắt buộc để nhân dân phải đưa con em đúng độ tuổi đến trường, giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền cơ sở có trách nhiệm thực hiện công tác PCGD ở địa phương.

Huỳnh Hải