Câu chuyện khởi nghiệp:
Ý tưởng kinh doanh “điên rồ” từ hàng trăm cây hoa quý… đã chết
Có một người đàn ông vì say mê hoa qúy nên đã dám làm một việc không ai nghĩ tới – mua chất trồng từ nước ngoài đem về Việt Nam. Chính việc làm “điên rồ” đó đã trở thành cơ duyên cho anh bước chân vào con đường kinh doanh một cách tình cờ và cũng đầy hy hữu như thế.
Chơi hoa, đặc biệt là loài hoa “đỏng đảnh” như phong lan hay các loài hoa quý hiếm khiến người chơi tốn nhiều công sức và mất nhiều thời gian để cho ra những nhành hoa rực rỡ. Và còn gì đau lòng hơn khi nhìn những giò lan, những gốc hồng cổ thụ, những chậu bonsai,… sau bao ngày tháng chăm sóc lần lượt héo úa, lụi tàn do nguồn chất trồng không được xử lý đúng cách hay bị ô nhiễm nặng.
Có một người đàn ông vì say mê hoa qúy nên đã dám làm một việc không ai nghĩ tới – mua chất trồng từ nước ngoài đem về Việt Nam. Chính việc làm “điên rồ” đó đã trở thành cơ duyên cho anh bước chân vào con đường kinh doanh một cách tình cờ và cũng đầy hy hữu như thế.
Hành trình đơn độc của người đàn ông từ say mê hoa quý đến kinh doanh “đất”
Thoạt nghe, đây tưởng như một câu chuyện đùa đối với một xứ sở như Việt Nam bởi đất đai màu mỡ thích hợp để trồng cây, trồng hoa. Vậy mà việc làm dường như điên rồ ấy lại trở thành bài toán triệu đô xuất phát từ ý tưởng của anh Phạm Đức Minh, Giám đốc Eco Footprint, người đàn ông vì say mê lan, say mê hoa quý, say mê nông nghiệp công nghệ cao mà kinh doanh “đất” nhập khẩu.
“Nhiều người bảo tôi khùng. Việt Nam thiếu gì thứ để trồng cây mà phải nhập "đất" ngoại về nhưng họ không biết rằng vật liệu trồng cây tự nhiên rất khó để trồng cây trên quy mô lớn bởi không được xử lý đúng và vì thế không thể kiểm soát được sâu bệnh” anh Minh kể lại. Từ chính trải nghiệm cá nhân khi còn học tập và làm việc ở nước ngoài của mình, anh Minh nhận ra giá trị của "đất" chuyên dụng và bắt đầu nung nấu ý tưởng mang những loại chất trồng chuyên dụng này về Việt Nam trên quy mô lớn, để những người đam mê với ngành hoa, những cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao lớn có thể được hưởng những lợi ích mà các loại "đất" đặc biệt này mang lại. Eco Footprint – công ty chuyên kinh doanh giá thể, các hỗn hợp chất trồng hữu cơ phục vụ ngành nông nghiệp công nghệ cao. Chúng có đặc tính giống như đất nhưng ưu việt hơn rất nhiều, có khả năng kiểm soát độ ẩm tốt hơn, giữ dinh dưỡng và tạo độ thoáng cho sự phát triển của cây trồng được ra đời từ đó.
Tự nhận mình “ngang như cua, cứng như đá”, vị CEO tâm huyết đã từng bước chèo lái vượt qua mọi khó khăn, đưa Eco Footprint trở thành một cái tên được nhiều thương hiệu quốc tế biết đến. Chỉ trong 2 năm hoạt động, Eco Footprint là đại diện phân phối độc quyền sản phẩm của 9 công ty nước ngoài bao gồm: New Zealand, Chile, Nhật, Bồ Đào Nha và nhiều quốc gia khác, với 2 showroom chính và hệ thống đại lý ở đã mở rộng tới 43/64 tỉnh thành trên cả nước.
Dấn thân vào một “đại dương” hoàn toàn mới, khi nông dân và cả những người yêu cây cảnh ở Việt Nam đều chưa có khái niệm về việc sử dụng giá thể để trồng cây thay vì đất thông thường, anh Minh gặp nhiều khó khăn về thị trường.
“Tôi trở thành là người đi dạy cho người ta trồng. Tôi đến từng nhà vườn, đưa sản phẩm của mình để người nông dân trồng thử, rồi đợi ròng rã 6 tháng để thấy được kết quả. Dần dần, Eco Footprint có được sự tin tưởng bởi hiệu quả rõ rệt mà giá thể trồng cây mang lại. Khi dùng sản phẩm của tôi rồi, rất hiếm khách hàng quay lại phương pháp cũ (trồng cây trên đất thường – PV) nữa” – anh Minh hào hứng nói.
Tuy nhiên, sản phẩm tốt, ông chủ nhiệt tình không đủ để Eco Footprint “giữ chân” được nhân sự. Khối lượng công việc của một thành viên trong Eco Footprint thực sự lớn. Họ không chỉ đơn thuần bán sản phẩm, mà còn gánh trách nhiệm của người truyền đạt kiến thức, khuyến khích người nông dân và những người yêu cây thử sử dụng sản phẩm, sau đó phải “nằm vùng” trong nhiều tháng trời để khách hàng nhận ra được giá trị của sản phẩm. Trên quãng đường chông gai ấy, nhiều “chiến binh” đã bỏ cuộc. Có những thời kỳ, chỉ một mình anh Minh ngược xuôi vừa lo nhập khẩu, vừa lo giới thiệu sản phẩm, vừa chăm sóc khách hàng.
Tham vọng lớn mang “đất” Việt ra thế giới
Kiên định với mục tiêu và đam mê hơn 20 năm với ngành nông nghiệp của mình, sau gần 2 năm dồn toàn bộ tâm huyết cho “đứa con” Eco Footprint, các sản phẩm vô cùng mới mẻ là giá thể trồng cây thay thế đất và các vật liệu trồng cây truyền thống của anh Minh phân phối đã được thị trường tiếp nhận. Những cố gắng của anh và cộng sự đã thực sự cho ra “trái ngọt” nửa đầu năm 2017, lượng container nhập khẩu của Eco Footprint tăng 300% so với năm trước.
Tăng trưởng nhanh, hoài bão lớn, Eco Footprint đang từng bước mở rộng thị trường và chuyển dần từ vai trò phân phối sang nhà sản xuất bởi vật liệu chính để sản xuất giá thể trồng cây thực ra ở Việt Nam rất nhiều như: rơm, mùn dừa, vỏ lạc cho tới lõi ngô, vỏ ca cao, vỏ cà phê,… Sự khác biệt chỉ nằm ở quy trình sản xuất và công nghệ. Và như nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác, Eco Footprint cũng gặp phải bài toán về vốn để mở rộng sản xuất và truyền thông.
“Từ trước đến nay truyền thông của công ty chỉ đơn thuần dựa trên uy tín cá nhân của CEO. Bây giờ nếu chỉ có thế là không đủ, tôi cần được trợ lực. Đó là lý do tôi là một trong những thành viên đầu tiên tham gia Cộng đồng JOY-Maritime Bank để nhận được những hỗ trợ rất thiết thực từ ngân hàng”, anh Minh cho biết.
“Thực sự, công ty chưa có nguồn lực tài chính đủ lớn và kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông. Được Maritime Bank hỗ trợ, trước mắt là cơ hội tiếp cận với 1.5 triệu khách hàng tiềm năng là các khách hàng cá nhân của ngân hàng, thương hiệu được xuất hiện trên nhiều kênh truyền thông quảng cáo phổ biến như: báo chí, facebook, màn hình LED,…chúng tôi sẽ được nhiều khách hàng trong nước biết đến và quyết tâm mở rộng sản xuất với kỳ vọng xuất ngược sang các nước từng nhập khẩu nguyên liệu trước kia”, anh Minh vững tin nói về dự định tương lai của mình.
K. Phương