Chàng khách mời trẻ tuổi nhất Hội nghị doanh nghiệp vừa và nhỏ Châu Á 2016
Tại Hội nghị doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Á 2016 (ACSB commitee Asia Council for Small Business) diễn ra vào tháng 9 vừa qua tại Jakarta (Indonesia), một diễn giả trẻ tuổi người Việt đã có bài thuyết trình gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế.
Đó là thạc sĩ Phan Thế Anh (28 tuổi), hiện đang là giảng viên môn Marketing tại trường Quốc tế Miền Đông - Bình Dương. Phóng viên Dân trí đã trò chuyện với anh về cơ hội đầu tư và khởi nghiệp ở Việt Nam.
Xin chào Phan Thế Anh, sau hơn một tháng tham dự ACSB trở về Việt Nam, cảm xúc của anh chắc là đã cân bằng trở lại?
Mặc dù Hội nghị đã kết thúc được hơn một tháng rồi, nhưng cảm xúc trong tôi vẫn còn đọng lại rất nhiều. Là một người trẻ, lại được xuất hiện tại một diễn đàn lớn, trước tiên tôi cảm thấy vô cùng tự hào và hãnh diện.
Tuy nhiên, song song với cảm giác đó, tôi cũng thấy có chút căng thẳng và hồi hộp khi đứng lên thuyết trình những nghiên cứu của mình trước rất nhiều khách mời là những chủ doanh nghiệp, chuyên gia nhiều kinh nghiệm tới từ khắp nơi trên thế giới.
Chủ đề tôi chia sẻ là về việc hợp tác đầu tư với giới khởi nghiệp tại Việt Nam. Tôi không sợ mình nói sai, nói hỏng, mà sợ ảnh hưởng đến hình ảnh của cộng đồng start-up đầy nhiệt huyết và máu lửa của chúng ta.
Anh chưa từng khởi nghiệp, điều đó có hợp lý cho chủ đề mà anh chia sẻ trong một Hội nghị lớn mang tầm cỡ quốc tế?
Trước đây, tôi từng có thời gian học tập và làm việc tại Hàn Quốc. Trong khoảng thời gian này, tôi đã giới thiệu khá nhiều công ty Hàn Quốc về Việt Nam đầu tư. Từ đó, tôi bắt đầu nghiên cứu về khởi nghiệp tại Việt Nam nên nắm được khá chắc về khởi nghiệp.
Tình cờ, chủ đề của Hội nghị doanh nghiệp vừa và nhỏ Châu Á 2016 lại chính là về vấn đề tiềm năng và thách thức của môi trường khởi nghiệp ở các nước châu Á. Đó chính là lý do Hội nghị mời tôi trở thành thành viên đại diện cho Việt Nam tham dự và thuyết trình tại diễn đàn kinh tế lần này.
Trong danh sách khách mời, có nhiều người họ chuyên về phần kinh nghiệm thực tiễn rồi, còn tôi chủ yếu trình bày các vấn đề về lý luận, lý thuyết và dự đoán xu hướng. Tôi nghĩ cả hai phần đều quan trọng như nhau cả.
Khách tham dự Quốc tế họ quan tâm nhất đến mảng nào của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam thưa anh?
Tôi thăm dò và biết họ quan tâm đến những định hướng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ như ngành nào tại Việt Nam đang được đầu tư nhiều? Sự cạnh tranh có cao không? Nhà nước hỗ trợ người nước ngoài những gì hay các bước xin giấy tờ ở Việt Nam ra làm sao…
Bên cạnh đó, tôi cũng đưa ra những thuận lợi và khó khăn trên con đường khởi nghiệp tại Việt Nam để họ có cái nhìn đối chiếu với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thế còn điểm mạnh chung khác biệt của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam có được các khách mời quan tâm?
Có chứ. Họ quan tâm đến sự sáng tạo. Mặc dù tôi không thấy nhiều người nói về điều này trong cộng đồng start-up Việt Nam, nhưng qua nghiên cứu và đối chiếu, tôi thấy các bạn có kiểu sáng tạo riêng, thậm chí chẳng thua kém gì các start-up nước ngoài.
Tiếp nữa là họ đều dám nghĩ khác, dám làm khác, không đi theo lối mòn và nhờ thế đã có thể thay đổi lối kinh doanh cũ. Ở Việt Nam dù phong trào khởi nghiệp mới chỉ rất sơ khai, cũng đã có những mô hình khởi nghiệp dám nghĩ khác và làm khác như thế.
Nhưng quan trọng vẫn là cái dám nghĩ khác làm khác ấy phải mang tới thành công?
Nhiều start-up đã ứng dụng sự tiến bộ của công nghệ để giải quyết vấn đề xã hội như Kyna thành công với mô hình dạy học online, Lozi đã gọi vốn được hàng triệu đô nhờ việc tạo ứng dụng tổng hợp địa điểm và gợi ý đồ ăn cho người dùng, MimosaTek gây ấn tượng với hàng loạt nhà đầu tư khi sử dụng công nghệ để phục vụ cho việc… tưới cây.
Bên cạnh đó, có những đơn vị không hẳn có thể xếp vào hàng ngũ start-up về công nghệ nhưng lại thành công vì khéo léo tận dụng thương hiệu cá nhân của người đứng đầu như PhinDeli của “thị trưởng” Phạm Đình Nguyên hay Truyền thông Trăng Đen của blogger Nguyễn Ngọc Long.
Dr.Yến của blogger này cũng là một câu chuyện thú vị tôi chia sẻ bên lề diễn đàn ACSB với bạn bè quốc tế về cách kiên trì theo đuổi triết lý sống “tôn trọng sự thật” và dám nghĩ khác, làm khác số đông. Không thể phủ nhận chất lượng đảm bảo, nguồn gốc rõ ràng với giá thành hợp lý vẫn là lợi thế cạnh tranh cốt lõi của sản phẩm. Nhưng cách “công khai minh bạch” cả ưu điểm lẫn nhược điểm của Dr.Yến (bao bì xấu, hàng bị vụn) đã khiến thương hiệu này chiếm trọn lòng tin của những khách hàng khó tính nhất trong một thị trường kinh doanh quyết định bởi niềm tin.
Các mô hình trên có người thành công kẻ thất bại (hiểu theo nghĩa chưa thành công vang dội), nhưng quan trọng là họ đã dám thay đổi cách nhìn cũ, dám mạo hiểm mở ra những hướng đi mới, và truyền cảm hứng cho nhiều người trong cộng đồng start-up.
Từ góc nhìn của một “nhà nghiên cứu” như anh tự nhận, anh phát hiện được những khó khăn nào nổi trội, mới mẻ so với những khó khăn đã quá “quen thuộc” mà các start-up vẫn tự nói ra?
So với nhiều nước, Việt Nam có lợi thế khi có cơ sở vật chất giá rẻ, nguồn nhân lực dồi dào và sự đa dạng trong thị trường nội địa. Bên cạnh đó cũng không thể tránh khỏi những khó khăn như: chính sách thuế ở Việt Nam còn khá cao so với một số nước trong khu vực hay những nhà khởi nghiệp tại Việt Nam còn non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, mặc dù chất máu lửa trong họ có thừa.
Khi phát biểu tại lễ phát động chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói “Tôi mong thanh niên Việt Nam coi khởi nghiệp không chỉ là một con đường kiếm tiền, mà là một triết lý sống”. Tôi nghe câu đó rất hay và rất thấm. Vì tôi hiểu giới start-up Việt Nam có rất nhiều bạn máu lửa tới mức “tán gia bại sản” mà không bỏ cuộc.
Họ nuôi dưỡng trong mình nhiều khát khao, hoài bão, muốn tìm ra những con đường đi riêng, bứt phá khỏi lối mòn, với mong muốn giải quyết một vấn đề cụ thể cho xã hội, cộng đồng chứ không chỉ nhìn vào việc kiếm tiền. Đó là điều tất cả chúng ta nên hiểu và trân trọng
Cảm ơn Thạc sĩ Phan Thế Anh về những chia sẻ thú vị này!
PV