Giải mã bí ẩn về xác ướp chó con 14.000 năm tuổi
(Dân trí) - Năm 2011 và 2015, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy xác ướp của 2 chú chó con được bảo quản gần như hoàn hảo bên trong lớp băng vĩnh cửu.
Địa điểm tìm thấy chúng ở miền bắc Siberia, cách ngôi làng Tumat (vùng Yakutia, Liên bang Nga) khoảng 40km.
Xác ướp những chú chó này vẫn còn nguyên lớp da và lông, được xác định niên đại từ 14.000 năm trước, thuộc giai đoạn cuối của Kỷ Băng Hà (từ 115.000 đến 11.700 năm trước).
Ban đầu, các nhà khoa học đã đặt cho 2 chú chó này tên gọi “chó con Tumat”, vì tin rằng đây là những chú chó nhà được con người thuần hóa từ cách đây hàng chục ngàn năm. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây đã làm sáng tỏ thêm nhiều điều.

Xác ướp chó con được bảo quản ở tình trạng tốt, được tìm thấy bên dưới lớp băng vĩnh cửu tại Siberia vào năm 2011 và 2015 (Ảnh: Sergey Fedorov).
Theo đó, trong cùng lớp băng được tìm thấy xác ướp của 2 chú chó con, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy xương voi ma mút có dấu vết tác động của con người. Điều này cho thấy nhiều khả năng voi ma mút đã bị con người săn bắt và làm thịt.
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng con người đã làm thịt voi ma mút, trong khi những chú chó con Tumat này ngồi cạnh bên để chờ được cho ăn.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu vừa được công bố bởi các nhà khoa học đến từ Đại học York (Canada) đã đưa ra kết luận trái ngược những gì nhiều người vẫn tin tưởng lâu nay.
Các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu di truyền lấy từ phần ruột, răng, xương và mô còn sót lại trên xác ướp của 2 chú chó con, để tìm hiểu xem chế độ ăn của 2 con vật này có liên quan gì đến hoạt động săn bắt của con người hay không.
Kết quả cho thấy không có dấu vết nào về thịt voi ma mút nằm trong dạ dày của 2 chú chó con, nghĩa là chúng không hề tiêu thụ thịt voi ma mút như nhiều người đã lầm tưởng. Điều này cho thấy nhiều khả năng xác 2 chú chó con và voi ma mút được tìm thấy trong cùng một khu vực chỉ là sự trùng hợp.
Từ đó, các nhà khoa học cũng cho biết 2 chú chó con này có thể là anh em cùng huyết thống và thuộc giống chó sói, không có dấu hiệu nào cho thấy chúng có mối liên hệ với con người. Đây có thể là những con sói non hoang dã và chưa từng được con người thuần hóa.
“Chúng tôi tin rằng nếu những chú chó con này đã được thuần hóa và sống cùng con người, chúng có thể đã được ăn thịt voi ma mút do con người săn bắt, nhưng kết quả nghiên cứu của chúng tôi không cho thấy điều này”, Nathan Wales, đồng tác giả đến từ khoa Khảo cổ học của Đại học York, cho biết.
Các nhà khoa học phát hiện ra những chú chó con này đã ăn thịt loài tê giác lông mượt trong những ngày cuối đời, vì họ đã tìm thấy một mảnh da tê giác lông mượt chưa tiêu hóa nằm trong dạ dày của chúng. Đây là một phát hiện gây kinh ngạc vì tê giác lông mượt, kể cả là con non, đều to lớn và khỏe mạnh và là con mồi có thể quá sức đối với chó sói.
Do đó, các nhà khoa học tin rằng những con sói trong Kỷ Băng Hà có kích thước to lớn và khỏe mạnh hơn sói ngày nay. Một đàn sói trưởng thành ở Kỷ Băng Hà sẽ có đủ sức mạnh để bao vây, giết chết một con tê giác lông mượt và chó sói non sẽ có cơ hội thưởng thức con mồi này.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tìm thấy dấu vết của thực vật bên trong dạ dày, cho thấy loài sói Kỷ Băng Hà có chế độ ăn đa dạng, bao gồm cả thực vật.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học York đã giúp giải mã những bí ẩn xung quanh xác ướp của những chú chó con có niên đại 14.000 năm. Kết quả nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí khoa học Quaternary Research.
Tê giác lông mượt là loài động vật có vú sống trong thời kỳ Kỷ Băng Hà Cuối Cùng và bị tuyệt chủng cách đây khoảng 10.000 đến 14.000 năm. Chúng là loài thích nghi với khí hậu lạnh giá, từng sinh sống rộng rãi ở các vùng thảo nguyên lạnh và khô cằn của Bắc bán cầu.
Tê giác lông mượt có kích thước tương đương hoặc lớn hơn tê giác hiện đại, với chiều dài từ 3 đến 3,8m, cao từ 1,4 đến 2m và nặng từ 1,8 đến 2,7 tấn.
Khác với tê giác ngày nay, tê giác lông mượt có lớp lông dày màu nâu sẫm hoặc vàng nhạt, giúp chúng giữ ấm cơ thể trong điều kiện băng giá của Kỷ Băng Hà. Lớp lông của tê giác lông mượt tương tự lớp lông của loài voi ma mút.
Tê giác lông mượt có sừng dài từ 1 đến 1,3m, giúp chúng tự vệ chống lại kẻ thù hoặc đào tuyết để tìm kiếm thức ăn. Loài tê giác này ăn thực vật, bao gồm cỏ, bụi cây thấp, rêu và các loài cây bụi…