Giải đáp 3 câu hỏi lớn về "quái vật cổ đại" Megalodon

Minh Khôi

(Dân trí) - Megalodon là kẻ săn mồi đỉnh cao trong chuỗi thức ăn thời cổ đại, nhưng vẫn chịu khuất phục trước cá mập trắng, và tuyệt chủng khoảng 3,6 triệu năm trước.

Giải đáp 3 câu hỏi lớn về quái vật cổ đại Megalodon - 1

Megalodon đạt chiều dài tối đa lên đến 24,3 mét, vượt xa kích thước của cá mập trắng lớn hiện đại (Ảnh: Getty).

Cá mập Megalodon là loài cá mập khổng lồ, từng được biết đến như một trong những loài động vật lớn nhất từng tồn tại trong lịch sử đại dương. Một nghiên cứu mới đã mang lại những bằng chứng quan trọng, giúp lý giải về kích thước, hình dáng và quá trình sinh sản của loài động vật cổ đại này.

Kích thước và hình dáng của Megalodon

Megalodon (Otodus megalodon) xuất hiện lần đầu tiên trong kỷ Miocene, khoảng 23 triệu năm trước, và thống trị các đại dương cho đến khi tuyệt chủng vào cuối kỷ Pliocene, khoảng 3,6 triệu năm trước.

Megalodon là thành viên của họ Otodontidae, một nhóm cá mập tiền sử bao gồm nhiều loài săn mồi lớn. Cần lưu ý rằng chúng có họ hàng xa với cá mập trắng lớn hiện đại (tên khoa học: Carcharodon carcharias), nhưng không phải là tổ tiên trực tiếp của loài này.

Megalodon từng sống ở nhiều khu vực đại dương trên thế giới, từ vùng biển nhiệt đới đến ôn đới. Hóa thạch của chúng đã được tìm thấy trên khắp các lục địa, từ Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi đến châu Đại Dương.

Giải đáp 3 câu hỏi lớn về quái vật cổ đại Megalodon - 2

Răng hóa thạch của Megalodon (trái) so với răng của cá mập hiện đại (Ảnh: Palaeontologia).

Những hóa thạch này, chủ yếu là răng khổng lồ dài tới 18 cm, là bằng chứng rõ ràng về sự hiện diện của chúng trong các đại dương thời cổ đại.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Palaeontologia Electronica cho biết Megalodon có thể đạt chiều dài tối đa lên đến 24,3 mét, vượt xa kích thước của cá mập trắng lớn hiện đại.

Để đi tới kết luận này, nhóm nghiên cứu gồm 29 chuyên gia về cá mập, hóa thạch và động vật có xương sống do GS Kenshu Shimada dẫn đầu đã phân tích cột sống của loài Megalodon ở trạng thái gần như hoàn chỉnh, được tìm thấy ở Bỉ.

Sau khi so sánh mẫu vật với 145 loài cá mập hiện đại và 20 loài tuyệt chủng, nhóm nghiên cứu nhận thấy Megalodon có thân hình dài và mỏng, giống cá mập chanh (tên khoa học: Negaprion brevirostris), thay vì hình dáng chắc nịch như cá mập trắng lớn.

Quá trình sinh sản của Megalodon

Nghiên cứu tiết lộ rằng đối với loài Megalodon, các cá thể non ngay khi chào đời đã có kích thước khổng lồ, lên tới 3,6 - 3,9 mét. Tuy nhiên, chúng chưa được thả ngay lập tức ra tự nhiên, mà được nuôi dưỡng một thời gian bên trong bụng mẹ.

Dẫu vậy, để có được sự phát triển nhanh chóng, chúng có hành vi "ăn thịt đồng loại trong tử cung" (oophagy). Đó là khi những cá thể Megalodon mới nở chủ động ăn trứng chưa nở để lớn nhanh hơn và tăng cơ hội sống sót khi ra ngoài.

Điều này giúp chúng đạt kích thước khổng lồ ngay khi bước ra môi trường tự nhiên, và là yếu tố giúp chúng khó trở thành con mồi cho các loài săn mồi khác.

Nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của Megalodon

Giải đáp 3 câu hỏi lớn về quái vật cổ đại Megalodon - 3

So sánh kích thước của Megalodon với cá mập trắng và một người trưởng thành (Ảnh: The Sun).

Megalodon là kẻ săn mồi đỉnh cao trong chuỗi thức ăn biển cổ đại. Chúng chủ yếu săn các loài động vật có vú biển như cá voi, hải cẩu và cá heo, cũng như các loài cá lớn.

Hóa thạch của nhiều loài cá voi có dấu vết của những vết cắn khổng lồ, cho thấy sức mạnh hàm răng của Megalodon. Một số nghiên cứu cho rằng chúng có thể tấn công con mồi từ bên dưới với lực cắn mạnh hơn bất kỳ loài động vật nào từng tồn tại, có thể lên đến 108.500 đến 182.200 Newton.

Megalodon tuy mạnh mẽ và có kích thước khổng lồ, nhưng rốt cuộc chúng vẫn tuyệt chủng. Dữ liệu cho thấy sự cạnh tranh với cá mập trắng lớn là một trong những nguyên nhân chính.

Loài này dù có kích thước nhỏ hơn, và không thể đánh bại Megalodon, nhưng phát triển khả năng săn mồi hiệu quả, giúp chúng giành phần lớn lượng thức ăn từ đối thủ.

Rốt cuộc, Megalodon dần chết đi do thiếu tài nguyên thức ăn. Cùng với đó, sự biến đổi khí hậu và sự suy giảm của các quần thể động vật có vú biển - nguồn thức ăn chính của Megalodon - cũng góp phần đẩy loài này đến bờ vực tuyệt chủng.