1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57
  3. Hai phi hành gia mắc kẹt ngoài không gian
  4. Tại sao lại thế?

Có sự sống ẩn nấp bên dưới Sao Hỏa không?

Minh Khôi

(Dân trí) - Khả năng tồn tại nước và sự sống ngầm có thể làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta hình dung về hành tinh láng giềng này.

Có sự sống ẩn nấp bên dưới Sao Hỏa không? - 1

Hình minh họa này cho thấy tàu đổ bộ Mars InSight của NASA trên bề mặt Sao Hỏa (Ảnh: NASA).

Một nghiên cứu mới công bố bởi Hiệp hội Địa chất Mỹ (GSA) đã khơi dậy hy vọng về sự tồn tại của sự sống dưới lòng đất Sao Hỏa, dựa trên dữ liệu địa chấn thu thập bởi tàu đổ bộ InSight của NASA.

Hai nhà khoa học, Ikuo Katayama từ Đại học Hiroshima và Yuya Akamatsu từ Viện Nghiên cứu Địa động lực học biển, đã đưa ra một giả thuyết đáng chú ý. Theo họ, nước lỏng có thể tồn tại bên dưới bề mặt hành tinh Đỏ, tạo điều kiện cho sự sống vi khuẩn tiềm tàng phát triển tại đây.

Nghiên cứu này dựa trên dữ liệu từ thiết bị SEIS (Thí nghiệm địa chấn về cấu trúc bên trong) - một máy đo địa chấn được tàu InSight triển khai trên Sao Hỏa từ năm 2018.

SEIS ghi nhận các dạng sóng địa chấn như sóng P, sóng S và sóng bề mặt, vốn được tạo ra bởi các sự kiện tự nhiên như động đất Sao Hỏa và va chạm thiên thạch. Khi các sóng này truyền qua các lớp bên dưới bề mặt, các nhà khoa học có thể phân tích để suy ra thành phần vật chất, mật độ, và đặc biệt là sự hiện diện của nước.

Dựa trên bản chất sóng S không thể truyền qua nước, trong khi sóng P truyền chậm lại khi gặp vật chất có mật độ thấp như nước lỏng, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy điều bất thường nằm giữa 2 ranh giới ở độ sâu 10 km và 20 km, với vận tốc sóng bị thay đổi rõ rệt.

Thay vì cho rằng đây là sự thay đổi về độ xốp hoặc thành phần hóa học, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng đó chính là ranh giới giữa đá khô và đá ướt - chỉ dấu cho nước ngầm lỏng.

Có sự sống ẩn nấp bên dưới Sao Hỏa không? - 2

Sơ đồ cho thấy các sóng địa chấn khác nhau di chuyển bên dưới Sao Hỏa (Ảnh: Ikuo Katayama).

Để kiểm chứng giả thuyết, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm địa chấn trong phòng thí nghiệm trên loại đá diabase (tương tự đá vỏ Sao Hỏa) từ Thụy Điển, ở ba trạng thái: khô, ướt và đóng băng. Kết quả cho thấy vận tốc sóng địa chấn khác biệt rõ rệt giữa ba mẫu, củng cố giả thuyết về sự tồn tại của nước lỏng dưới bề mặt Sao Hỏa.

"Nhiều nghiên cứu từng xác nhận sự hiện diện của nước trên Sao Hỏa cổ đại, nhưng mô hình của chúng tôi cho thấy nước lỏng vẫn có thể tồn tại trên Sao Hỏa hiện tại", Katayama nhấn mạnh.

"Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì nước là điều kiện thiết yếu cho sự sống, và nếu tồn tại ở trạng thái lỏng, nó có thể đang nuôi dưỡng sự sống vi sinh vật trong các vết nứt ngầm sâu bên dưới bề mặt hành tinh Đỏ".

Phát hiện này không chỉ là một bước tiến trong hiểu biết về cấu trúc địa chất Sao Hỏa, mà còn mở ra một hướng nghiên cứu mới cho ngành khoa học chuyên nghiên cứu về sự sống ngoài Trái Đất.

Trong bối cảnh con người ngày càng tiến gần tới mục tiêu khám phá và sinh sống trên Sao Hỏa, khả năng tồn tại nước và sự sống ngầm có thể làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta hình dung về hành tinh láng giềng này.

Theo scitechdaily.com