Vượn khổng lồ cao 3 mét ở Trung Quốc bị xóa sổ do biến đổi khí hậu

Minh Khôi

(Dân trí) - Một nghiên cứu cho thấy loài linh trưởng lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất đã tuyệt chủng do phải vật lộn để thích nghi với những thay đổi của môi trường, khí hậu.

Vượn khổng lồ cao 3 mét ở Trung Quốc bị xóa sổ do biến đổi khí hậu - 1

Hình minh họa về loài vượn cổ đại cao 3 mét, đã tuyệt chủng do biến đổi khí hậu (Ảnh: SC).

Gigantopithecus blacki (viết tắt: G. blacki) là tên của một giống vượn cổ đại. Chúng từng được xem là tổ tiên rất xa của loài người, và có những đặc điểm nổi bật như cao tới 3 mét, nặng 300kg. Loài linh trưởng này chủ yếu xuất hiện ở Nam Trung Quốc và Đông Nam Á từ khoảng 2 triệu đến 330.000 năm trước.

Dẫu vậy, câu chuyện về sự tuyệt chủng của loài G. blacki là một bí ẩn trong giới cổ sinh vật học, khi các nhà nghiên cứu không thể lý giải được tại sao một giống loài hùng mạnh như vậy lại có thể biến mất vào thời điểm mà hầu hết các loài linh trưởng khác đang thích nghi và sống sót.

Dựa trên những bằng chứng thu thập được từ 22 địa điểm hang động trải rộng trên một khu vực rộng lớn ở Quảng Tây, Trung Quốc, các nhà khoa học đến từ Đức, Nam Phi, Tây Ban Nha và Mỹ, đã giải được câu đó này khi cho rằng: Chính sự thay đổi của môi trường sống đã giết chết loài linh trưởng lớn nhất hành tinh.

"G. blacki trải qua giai đoạn thử thách khi môi trường sống trên cây thay đổi, và một cuộc đấu tranh để thích nghi đã định đoạt số phận của chúng", nhóm nghiên cứu kết luận.

Theo nghiên cứu, loài này từng phát triển mạnh trong các khu rừng rậm rạp với độ che phủ dày đặc, có khả năng tiếp cận nguồn nước quanh năm và hạn chế thay đổi chế độ ăn theo mùa.

"Các khu rừng rậm rạp đã cung cấp trái cây cho chúng ở khắp mọi nơi chúng di chuyển tới. Đó là điều kiện sống tuyệt vời, và loài G. blacki đã phát triển rất mạnh. Chúng hầu như không phải lo lắng về thức ăn", nghiên cứu cho biết.

Thế nhưng từ khoảng 700.000 đến 600.000 năm trước, các khu rừng rậm rạp dần biến mất do thay đổi khí hậu, dẫn tới sự đa dạng về nguồn thực phẩm cũng không còn. 

Không tìm được thức ăn ưa thích, loài G. blacki chuyển sang sử dụng các nguồn dự phòng ít dinh dưỡng hơn, như lá, vỏ cây và cành. Chúng trở nên ù lì, ít mở rộng phạm vi tìm kiếm thức ăn, rồi dần xuất hiện các dấu hiệu bị căng thẳng mãn tính, khiến số lượng loài giảm mạnh.

Rốt cuộc, loài linh trưởng lớn nhất hành tinh đã tuyệt chủng trong khoảng thời gian từ 295.000 đến 215.000 năm trước.

Nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của loài vượn này là do chúng không thể chuyển đổi thói quen và hành vi ăn uống so với những loài thích nghi nhanh như đười ươi.

Nói về đười ươi, loài này có thể phát triển mạnh vì chúng có thể thích ứng tốt với việc thay đổi kích thước, hành vi và sở thích môi trường sống khi điều kiện thay đổi. Một phần là vì chúng có gần 97% DNA của con người, nên sở hữu trí thông minh cao.

GS. Zhang Yingqi, tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu, khi cho rằng ông và các đồng nghiệp đã giải đáp được một trong những bí ẩn lớn nhất trong lĩnh vực cổ sinh vật học.

Theo vị chuyên gia này, việc xác định được nguyên nhân tuyệt chủng của loài G. blacki có thể mang đến những bài học quý giá trong bối cảnh Trái Đất đang phải đối mặt với sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 do các hoạt động của con người gây ra.

Một trong số đó là những bài toán cần phải giải quyết như vấn đề về lương thực, sự thích nghi, và môi trường sống.

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm