Vingroup tài trợ 136 tỷ đồng cho 28 dự án khoa học công nghệ năm 2020
(Dân trí) - Hôm qua (12/10/2020), Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata, Tập đoàn Vingroup tổ chức “Lễ ký kết tài trợ dự án Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ năm 2020” cho 28 dự án với tổng giá trị hơn 136 tỷ đồng.
VINIF tài trợ phi lợi nhuận cho các dự án với mong muốn xây dựng văn hóa, tác phong nghiên cứu hiệu quả và chuyên nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học - công nghệ Việt Nam.
28 dự án nhận tài trợ năm nay thuộc nhiều lĩnh vực như Gen và tế bào; Khoa học máy tính; Trí tuệ nhân tạo; Tự động hóa; Năng lượng tái tạo; Vật liệu thế hệ mới… được lựa chọn từ 139 hồ sơ gửi về trong năm 2020. Với suất tài trợ cao nhất lên tới 10 tỷ đồng, giải ngân ngay trong tháng 10, các nhà nghiên cứu sẽ có nguồn lực kịp thời để chi trả cho thành viên dự án, thuê chuyên gia trong và ngoài nước, mua nguyên nhiên vật liệu, trang thiết bị, thực hiện công bố quốc tế và đăng ký sáng chế…
Ngoài ra, Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) sẽ hỗ trợ nguồn lực cho các dự án như giới thiệu chuyên gia tư vấn, cấp quyền truy cập cơ sở dữ liệu lớn và sở hữu trí tuệ từ hệ sinh thái nghiên cứu của Tập đoàn Vingroup. VINIF cũng tạo điều kiện giới thiệu, ứng dụng sản phẩm, dịch vụ, giải pháp nghiên cứu vào thực tế, tư vấn đăng ký bảo hộ bằng độc quyền sáng chế và giới thiệu nguồn đầu tư để các dự án tiếp tục hoàn thiện và phát triển sau khi dự án kết thúc… Đây được xem là bước đột phá trong tư duy tài trợ dự án của Tập đoàn Vingroup, qua đó thúc đẩy một cách bền vững sự phát triển của nền khoa học - công nghệ Việt Nam.
Để được lựa chọn, những dự án nhận tài trợ đã trải qua 3 vòng đánh giá, xét chọn nghiêm ngặt và công bằng của Hội đồng Khoa học cùng sự tư vấn của hơn 50 giáo sư, tiến sĩ như: GS Đặng Đức Anh (Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW), GS. Hồ Tú Bảo (Viện NCCC về Toán), GS. Phan Thanh Sơn Nam (GS hóa học ĐHQG TP HCM), GS. Nông Văn Hải (Viện HL KHCN VN), GS. Đàm Thanh Sơn (ĐH Chicago), GS. Nguyễn Thái Thục Quyên (ĐH California), GS. Đỗ Ngọc Minh (VinUni)… Việc đánh giá cũng dựa trên 5 bộ tiêu chí gồm Mức độ cần thiết của đề tài; Năng lực nghiên cứu của tác giả, cơ sở vật chất của đơn vị thực hiện; Tính sáng tạo, ý nghĩa khoa học; Tác động tới kinh tế - xã hội; Tính thuyết phục của mục tiêu cũng như giá trị khoa học - công nghệ của sản phẩm, dịch vụ. Những dự án được lựa chọn có tính ứng dụng thực tiễn cao, có thể mang lại giá trị lâu dài cho xã hội.
Phát biểu tại lễ ký kết, GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học, Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata (Tập đoàn Vingroup) chia sẻ: “Mặc dù gặp khó khăn chung do dịch Covid -19 nhưng Tập đoàn Vingroup vẫn quyết tâm duy trì hỗ trợ khoa học vô điều kiện. VINIF luôn mong muốn các nhà khoa học Việt có cơ hội tốt nhất để chuyên tâm nghiên cứu bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả, từ đó tạo ra sự khác biệt, đổi mới cho môi trường nghiên cứu khoa học tại Việt Nam”.
Đây là năm thứ hai Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup thực hiện chương trình tài trợ dự án nghiên cứu thường niên cho các công trình khoa học tại Việt Nam. Năm 2019, 20 dự án khoa học công nghệ đã nhận tổng mức tài trợ 124 tỷ đồng. Qua một năm thực hiện, các dự án đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần từng bước giải quyết những vấn đề thực tiễn của xã hội Việt Nam cũng như thế giới, như: nghiên cứu vaccine và hệ thống cảnh báo chống Covid-19, phát triển công nghệ in 3D, phát minh vật liệu mới…
Tài trợ các dự án nghiên cứu thường niên là một trong những hoạt động nhằm xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu ứng dụng khoa học trong và ngoài nước của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup trong nỗ lực góp phần tạo nên thay đổi tích cực cho nền khoa học công nghệ Việt Nam. Bên cạnh chương trình tài trợ dự án nghiên cứu tiềm năng, VINIF nỗ lực thực hiện trao học bổng cho sinh viên tài năng, kí kết hợp tác với đơn vị nghiên cứu, trường Đại học để xây dựng chương trình đào tạo khuyến khích khoa học. Tháng 11 tới đây, Quỹ cũng sẽ tổ chức lễ trao học bổng thường niên đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước dành cho học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc y dược với trị giá học bổng từ 120 triệu đến 150 triệu/học viên/năm.