VinFuture 2024: "Cha đẻ" pin mặt trời nói về tương lai của năng lượng xanh

Trung Nam

(Dân trí) - Trong một thế giới đang phải vật lộn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, rất cần những giải pháp thông minh và năng lượng xanh hơn bao giờ hết.

VinFuture 2024: Cha đẻ pin mặt trời nói về tương lai của năng lượng xanh - 1

Giáo sư Martin Andrew Green chia sẻ với các bạn sinh viên về những tiến bộ của công nghệ pin mặt trời (Ảnh: Quyết Thắng).

Chiều 4/12 tại Đại học Công Nghiệp (Hà Nội), Giáo sư Martin Andrew Green, Giám đốc sáng lập Trung tâm Quang điện Tiên tiến (Đại học New South Wales, Úc), đã có buổi gặp gỡ, giao lưu cùng thầy cô và các bạn sinh viên với chủ đề "Đổi mới trong năng lượng mặt trời và kỹ thuật vật liệu tiên tiến".

Sự kiện đã thảo luận về những tiến bộ đột phá trong công nghệ năng lượng mặt trời và kỹ thuật vật liệu, đóng vai trò là nền tảng cho sự đổi mới và hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng đối với phát triển bền vững và tiến bộ khoa học.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học và Công nghệ VinFuture 2024.

Tại buổi gặp gỡ, Giáo sư Martin Andrew Green - người được mệnh danh là "Cha đẻ năng lượng mặt trời" - đã chia sẻ về những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực pin mặt trời.

Pin mặt trời PERC (Passivated Emitter and Rear Cell) được ông phát minh từ năm 1983, đã cách mạng hóa ngành công nghiệp quang điện, sử dụng kỹ thuật thụ động hóa bề mặt sau giúp tăng đáng kể hiệu suất.

Đổi mới đột phá này hiện được sử dụng trong hơn 90% các tấm pin mặt trời được sản xuất trên thế giới. Trước đó, vào năm 1976, các module năng lượng mặt trời có hiệu suất 5-6% và tuổi thọ chỉ hơn một năm.

Đến năm 1983, Giáo sư Green đã đạt kỷ lục thế giới đầu tiên về hiệu suất của pin mặt trời silicon với tấm pin có thể chuyển đổi 18% năng lượng của ánh sáng mặt trời thành điện năng.

Đáng chú ý, nghiên cứu của ông đã liên tục lập kỷ lục trong những năm sau đó về hiệu suất tấm pin năng lượng mặt trời.

"Vào năm 2008, chúng tôi đã tạo ra tấm pin hiệu suất 25% đầu tiên và tuổi thọ lên tới hàng chục năm", ông cho biết.

Ngày nay, đi cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, đã có nhiều nghiên cứu về vật liệu mới, vật liệu thông minh mở ra những hướng đi đầy hứa hẹn cho pin mặt trời thế hệ mới.

VinFuture 2024: Cha đẻ pin mặt trời nói về tương lai của năng lượng xanh - 2

Sự kiện còn có sự tham gia của Giáo sư Mônica Alonso Cotta, Giám đốc Viện Vật lý Gleb Wataghin tại Đại học Campinas (Ảnh: Quyết Thắng).

"Những vật liệu này có tiềm năng vượt trội so với silicon truyền thống (một dạng polymer tổng hợp trơ) về nhiều mặt.

Lợi thế của vật liệu này là khả năng hấp thụ ánh sáng tốt hơn, cho phép sản xuất pin mặt trời có hiệu suất chuyển đổi cao hơn, giúp giảm chi phí từ sản xuất đến vận chuyển, lắp đặt và cuối cùng là tái chế và xử lý", Giáo sư Green chia sẻ.

Theo vị Giáo sư, trong 10 năm qua đã có nhiều thay đổi trong ngành sản xuất silicon, chúng tôi đang chuyển đổi áp dụng công nghệ Topcon trên các tấm pin mặt trời.

"Chúng ta có thể thấy, giá bán pin mặt trời giảm từ 1 đô la/1W (năm 2009), đến giờ là có thể mua với giá 10 cent/W, 1 tấm panel chỉ còn có giá là 70 đô la. Công suất đầu ra của nhà máy năng lượng có thể thay thế 10 nhà máy nhiệt than. Khi nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng đến 1TB Gigawatt (GW) trong 1 năm tới, chúng ta sẽ tăng công suất lắp đặt khi có chi phí thấp hơn.

Trung bình nếu sắp xếp ngẫu nhiên các tấm tế bào pin mặt trời, hiệu suất đạt được là 30%; nhưng nếu xếp chồng 2 lớp sẽ tăng hiệu suất lên 40%. Trong quá khứ hay tương lai, chúng ta đều có thể thay thế silicon bằng các tấm màng mỏng, để tạo được tấm pin có hiệu suất rất lớn".

Bên cạnh đó, thầy cô và các bạn sinh viên còn được lắng nghe chia sẻ từ Giáo sư Mônica Alonso Cotta, Giám đốc Viện Vật lý Gleb Wataghin tại Đại học Campinas (Brazil), liên quan đến chủ đề bám dính của vi khuẩn và sự hình thành màng sinh học: Chúng ta có thể học được gì từ vật liệu và giao diện kỹ thuật?

Buổi trò chuyện giữa hai vị giáo sư với thầy cô và các bạn sinh viên diễn ra trong không khí vui vẻ, ấm cúng; nhiều câu hỏi trao đổi từ các bạn sinh viên đã được 2 vị Giáo sư giải thích rõ ràng.

VinFuture 2024: Cha đẻ pin mặt trời nói về tương lai của năng lượng xanh - 3

Hai vị giáo sư chụp ảnh kỷ niệm với các bạn sinh viên (Ảnh: Quyết Thắng).

Ngày nay, các nhà khoa học đã ứng dụng AI trong nghiên cứu khoa học vật liệu, đã và đang tạo ra những khác biệt, khi công nghệ này đẩy nhanh quá trình xác định, dự đoán các đặc tính của vật liệu, cũng như tối ưu hóa hiệu năng, độ ổn định của chúng.

Hy vọng trong tương lai, nhiều vật liệu mới sẽ được nghiên cứu và phát triển, góp phần vào một thế giới đang hành động mạnh mẽ để giảm nóng lên toàn cầu.

Tuần lễ Khoa học công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 diễn ra từ ngày 4/12 đến 7/12 tại Hà Nội.

Đây là chuỗi sự kiện tầm vóc quốc tế, hội tụ nhiều tên tuổi trong các lĩnh vực trọng yếu như khoa học vật liệu, trí tuệ nhân tạo, ô nhiễm không khí và nghiên cứu môi trường… Tâm điểm của chuỗi sự kiện là Lễ vinh danh các nhà khoa học có thành tựu xuất sắc, đang góp phần phụng sự cho cuộc sống.

Bước sang năm thứ 4, Tuần lễ Khoa học công nghệ và Lễ trao giải VinFuture ghi dấu ấn là một trong những sự kiện thường niên tâm điểm được đón chờ nhất của giới khoa học công nghệ toàn cầu.