Vì sao khí quyển sao Thổ lại nóng đến 80 độ C?

(Dân trí) - Mặc dù càng ngày chúng ta càng biết thêm rất nhiều về các hành tinh khác trong hệ mặt trời nhưng vẫn còn rất nhiều bí ẩn chưa được giải mã.

Một trong số những câu hỏi mở từ lâu nay là vì sao khí quyển của sao Thổ, một hành tinh khổng lồ đầy khí, lại nóng đến vậy ngay cả khi nó ở vào vị trí xa mặt trời nhất.

Khí quyển sao Thổ chủ yếu là khí hydrogen, ngoài ra còn có helium và một chút dấu vết của methane và nước đóng băng. Nhiệt độ ở đây có độ dao động rất lớn, một số khu vực nóng đến 800C, nhưng một số khu vực khác lại lạnh đến -2500C. Sao Thổ cũng là “nhà” của những cơn gió mạnh nhất trong hệ mặt trời, có những cơn gió có tốc độ hơn 1.170 km/ giờ.

Nhưng nhiệt độ khí quyển của hành tinh này lại là một điều bí ẩn. Do nó ở rất xa mặt trời nên không thể nhận được nhiều nhiệt từ mặt trời. Vậy cái gì khiến cho khí quyển của nó nóng đến vậy?

Một kết quả phân tích dữ liệu của tàu thám hiểm Cassini của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy nguyên nhân rất có thể do hiện tượng cực quang. Giống như cực quang trên Trái Đất, các hành tinh khác cũng có cực quang, là khi gió mặt trời phản ứng với các hạt tích điện từ các hành tinh vệ tinh và tạo ra các dòng điện. Những dòng điện này không chỉ tạo ra cực quang mà còn sinh nhiệt.

Vì sao khí quyển sao Thổ lại nóng đến 80 độ C? - 1
Hình ảnh lớp biến màu cho thấy cực quang bên trên các đám mây ở cực Nam của sao Thổ, do phổ kế của tàu thám hiểm Cassini ghi lại vào ngày 1/11/2008.

Những đợt gió mạnh trên sao Thổ cũng đóng một vai trò trong vấn đề này, vì gió phân tán năng lượng mà các dòng điện sinh ra từ hai vùng cực đi đến khắp những nơi còn lại trên hành tinh. Ở hai cực, các dòng điện sinh ra đủ nhiệt làm cho khí quyển nóng gấp đôi so với nếu chỉ có nhiệt từ mặt trời chiếu vào.

Nhóm chuyên gia phổ ký hình ảnh cực tím (UVIS) của Mỹ cho biết các kết quả nghiên cứu này vô cùng quan trọng để chúng ta hiểu được tầng khí quyển trên cao của sao Thổ, nhờ đó chúng ta trả lời được câu hỏi vì sao tầng cao nhất của khí quyển ở đây lại nóng đến vậy trong khi các tầng còn lại thì lại lạnh.

Các kết quả nghiên cứu này của tàu thám hiểm Cassini đã được đăng trên tạp chí Thiên văn học Tự nhiên.

Phạm Hường 

Theo Digital Trends