Vệ tinh gặp sự cố ngoài ý muốn, phi hành gia phải trú ẩn khẩn cấp

Minh Khôi

(Dân trí) - USSC cho biết vệ tinh của Nga đã vỡ thành gần 180 mảnh có kích thước lớn nhỏ khác nhau, và có thể theo dõi được thông qua hệ thống radar tân tiến.

Vệ tinh gặp sự cố ngoài ý muốn, phi hành gia phải trú ẩn khẩn cấp - 1

Tàu tiếp tế hàng hóa Progress 76 của Nga rời Trạm Vũ trụ Quốc tế vào năm 2021 (Ảnh: NASA).

Theo Reuters, một vệ tinh đã ngừng hoạt động của Nga vừa gặp sự cố chưa xác định, vỡ vụn thành hơn 100 mảnh lớn nhỏ trên quỹ đạo.

Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ (USSC), đơn vị theo dõi sự cố này, cho biết sự kiện này diễn ra vào lúc 23:00 ngày 26/6 (theo giờ Việt Nam), xảy ra trên quỹ đạo gần Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS).

Sự cố không mong muốn này đã buộc các phi hành gia trên trạm phải trú ẩn bên trong một tàu vũ trụ để đảm bảo an toàn.

Được biết, đây là vệ tinh RESURS-P1 do Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) phóng vào tháng 6/2013, có nhiệm vụ quan sát Trái Đất. Vệ tinh đã hoàn tất sứ mệnh và ngắt kết nối với trạm trên Trái Đất vào cuối năm 2021.

USSC cho biết vệ tinh của Nga đã vỡ thành gần 180 mảnh có kích thước lớn nhỏ khác nhau, và có thể theo dõi được thông qua hệ thống radar tân tiến.

Đơn vị này không quên nhấn mạnh rằng vệ tinh gặp sự cố nằm ở độ cao khoảng 355 km, tại quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Đây là khu vực có hàng nghìn vệ tinh từ nhỏ đến lớn hoạt động.

Bởi lẽ đó, ước tính sẽ mất vài tuần đến vài tháng trước khi mối nguy hiểm từ va chạm mảnh vỡ qua đi.

Hiệu ứng Kessler (hay phản ứng dây chuyền giữa các mảnh vỡ trong không gian) là điều khiến nhiều chuyên gia lo ngại, trong bối cảnh "rác" không gian không ngừng gia tăng.

Ước tính, có khoảng 25.000 mảnh vỡ với kích thước lớn hơn 10 cm đã được tạo ra từ các vụ nổ hoặc va chạm vệ tinh.

Trước đó vào ngày 13/9/2023, hai trọng tải lớn là vệ tinh Cosmos 807 của Liên Xô (nặng 400 kg) và tầng đẩy của tên lửa Trường Chinh 4C (nặng 2 tấn) khiến giới chuyên môn lo lắng khi suýt chút nữa va chạm ở độ cao 689 km. Hai vật thể này đều đã ngừng hoạt động sau khi hoàn tất sứ mệnh.

Theo công ty theo dõi không gian LeoLabs (Mỹ), một vụ va chạm giữa hai khối rác vũ trụ khổng lồ với kích thước như trên có thể tạo ra khoảng 3.000 mảnh vỡ trên quỹ đạo, và sẽ mất nhiều thời gian để loại trừ mối lo từ những mảnh vỡ này.

Theo www.reuters.com