Ứng dụng công nghệ sinh học để thúc đẩy phát triển bền vững

(Dân trí) - Ngày 21/9 tại TP Huế đã diễn ra hội thảo “Ứng dụng công nghệ sinh học: Động lực thúc đẩy phát triển bền vững” do Viện Công nghệ sinh học – Đại học Huế tổ chức. Nhiều ứng dụng công nghệ sinh học mới, thiết thực đã được trình bày đến công chúng.

Theo PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học – Đại học Huế hiện công nghệ sinh học (CNSH) đang tái định hướng nền kinh tế dựa trên nguồn năng lượng hóa thạch sang nền kinh tế sinh học bền vững cao. CNSH cung cấp các giải pháp cần thiết cho phát triển bền vững trong công nghiệp dựa trên nguồn tài nguyên tái tạo, giảm thiểu chất thải và ô nhiễm cũng như bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.

PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học – Đại học Huế phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học – Đại học Huế phát biểu tại Hội thảo

Sự phát triển và ứng dụng CNSH trong sản xuất các sản phẩm chất lượng cao phục vụ đời sống con người cũng như phục hồi môi trường sinh học đang là nhu cầu bức thiết của một xã hội phát triển bền vững, đặc biệt càng trở nên quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng ngày càng lớn hơn ở nước ta cũng như trên thế giới.

Khá nhiều đề tài, ứng dụng CNSH mới đã được giới thiệu tại hội thảo này như: Nghiên cứu sàng lọc một số thực vật có khả năng hạ đường huyết trên mô hình chột đái tháo đường thực nghiệm; PCR vi giọt kỹ thuật số (ddPCR) – Công nghệ và ứng dụng; Ứng dụng vi khuẩn kích thích sinh trưởng vùng rễ bản địa cho một số cây trồng ở miền Trung; Nghiên cứu cơ chế hình thành kết tụ sinh học của vi tảo Chlorella vulgaris nuôi trong nước thải thủy sản.

Nhiều nhà khoa học, giảng viên, sinh viên, doanh nghiệp đã đến tham dự hội thảo
Nhiều nhà khoa học, giảng viên, sinh viên, doanh nghiệp đã đến tham dự hội thảo

Ứng dụng CNSH trong nhân giống và nghiên cứu đặc điểm cam của cây Mesembryanthemum crystallinum (ice plant); Ức chế HDAC1 làm giảm xơ hóa thận thông qua kiểm soát quá trình viêm và điều hòa phiên mã gene tổng hợp chất nền ngoại bào; Nuôi cấy vi tảo silic Skeletonema costatum từ vùng biển Thừa Thiên Huế để làm thức ăn nuôi trồng thủy sản; Sản xuất và tạo dòng gen Folac3 mã hóa laccase từ nấm Fusarium oxysporum.

Nhiều đề tài, ứng dụng CNSH được giới thiệu
Nhiều đề tài, ứng dụng CNSH được giới thiệu
Các gian hàng sản phẩm về CNSH ở hội thảo
Các gian hàng sản phẩm về CNSH ở hội thảo

Đại Dương