Ùn tắc giao thông kéo dài làm tăng nguy cơ ung thư

(Dân trí) - Nhóm các nhà nghiên cứu-trong đó có nhà nghiên cứu Ấn Độ-cho biết-ùn tắc giao thông trong thời gian dài không những gây tốn phí thời gian mà còn làm cho người đi đường phải tiếp xúc lâu với khói độc hại có thể tạo ra nguy cơ ung thư.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một trong 10 nguy cơ sức khỏe hàng đầu mà chúng ta phải đối mặt là ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các thành phố lớn. Tháng 10/2013, WHO xếp loại ô nhiễm không khí ngoài trời là một yếu tố gây ung thư.

Ùn tắc giao thông kéo dài làm tăng nguy cơ ung thư - 1

Những phát hiện này cho thấy, khi các phương tiện dừng đèn đỏ, chúng sẽ trải qua các chu kỳ khác nhau như chạy không tải, tăng tốc, giảm tốc và thải khói độc hại.

Những khói thải này phải mất nhiều thời gian để phân tán, nhất là trong khu vực đang xây dựng. Chúng tích tụ trong không khí tại các điểm dừng tín hiệu giao thông.

Vì vậy, dù xe đã đóng kín cửa nhưng khi bật quạt gió lên chúng ta vẫn có nguy cơ tiếp xúc với các khói thải bên ngoài.

Khi được khởi động quạt gió sẽ hút khí bẩn từ ngoài vào trong xe dẫn đến tích tụ các chất ô nhiễm trong xe.

Tuy nhiên, sẽ tương đối an toàn nếu đặt quạt gió ở phía trên tay lái nơi chúng lưu thông không khí trong xe mà không hút không khí ô nhiễm từ bên ngoài.

Prashant Kumar từ trường Đại học Surrey cho biết: “Nếu có thể và trong điều kiện thời tiết cho phép thì một trong những cách tốt nhất hạn chế tiếp xúc với không khí bên ngoài là đóng hết cửa, tắt quạt và cố gắng giãn khoảng cách với xe phía trước khi ùn tắc giao thông hoặc ở điểm dừng tín hiệu giao thông”.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, những người lái xe bị mắc kẹt khi ùn tắc giao thông tiếp xúc với các hạt ô nhiễm tăng gấp 29 lần so với những người lưu thông tự do.

Nghiên cứu mới này được công bố trên tờ Environmental Science: Processes and Impacts, đã phát hiện ra rằng người đi bộ cũng bị tiếp xúc với ô nhiễm không khí ở các điểm dừng tín hiệu giao thông.

Hà Ngân (Theo Indianexpress)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm