Trực thăng của NASA lập kỷ lục về khoảng cách, tốc độ khi bay trên sao Hỏa
(Dân trí) - Chiếc trực thăng không người lái Ingenuity đã lập được kỷ lục mới về khoảng cách và tốc độ khi thực hiện chuyến bay thứ 3 trên sao Hỏa.
Ingenuity là chiếc máy bay trực thăng không người lái, chỉ nặng khoảng 2kg, được NASA phóng lên sao Hỏa để thử nghiệm khả năng hoạt động của một vật thể bay trong môi trường sao Hỏa, vốn có trọng lực và bầu khí quyển khác biệt so với trái đất.
Sau khi thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 19/4 vừa qua, đánh dấu cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên có một vật thể thực hiện chuyến bay trên sao Hỏa, Ingenuity đã tiếp tục thực hiện thành công chuyến bay thứ 2 và thứ 3 trong những ngày qua.
Đáng chú ý, trong chuyến bay thứ 3 được thực hiện vào ngày chủ nhật (25/4) vừa qua, Ingenuity đã lập được một kỷ lục mới về khoảng cách và tốc độ bay, khi chiếc trực thăng này bay được quãng đường 50m với tốc độ 2m/giây (7,2km/h), rồi quay lại vị trí ban đầu. Như vậy, Ingenuity đã di chuyển được quãng đường 100m (cả chiều đi và về) trong lần bay này.
Tốc độ và quãng đường bay mà Ingenuity đạt được trên sao Hỏa ở lần bay thứ 3 thậm chí còn xa và nhanh hơn "thành tích" mà chiếc trực thăng này đã từng đạt được trong những chuyến bay thử nghiệm ở trái đất.
Toàn bộ chuyến bay kéo dài 80 giây của Ingenuity đã được robot khám phá sao Hỏa Perseverance ghi lại được và truyền về Trái đất cho các kỹ sư của NASA.
"Chuyến bay hôm nay đúng như kế hoạch của chúng tôi và không có gì quá kinh ngạc", Dave Lavery, Giám đốc phát triển của trực thăng Ingenuity tại NASA cho biết. "Với chuyến bay này, chúng tôi đang trình diễn các kỹ năng quan trọng để bổ sung cho các sứ mệnh khám phá sao Hỏa trong tương lai".
Trong khi bay, camera điều hướng trên Ingenuity sẽ quét và ghi nhận các đặc điểm bề mặt của sao Hỏa khi nhìn từ trên cao. Dữ liệu thu thập được từ các chuyến bay của Ingenuity sẽ được truyền về một trạm thu phát tín hiệu được tích hợp trên robot Perseverance, sau đó được chuyển tiếp đến một vệ tinh bay quanh sao Hỏa và nhờ vệ tinh này truyền dữ liệu về cho các kỹ sư của NASA tại Trái đất. Những dữ liệu này sẽ được NASA sử dụng để phát triển những thiết bị bay không người lái tốt hơn cho các sứ mệnh khám phá sao Hỏa trong tương lai.
Sau khi thực hiện thành công chuyến bay thứ 3, Ingenuity sẽ tiếp tục thực hiện tiếp chuyến bay thứ 4 trong một vài ngày tới. Mục tiêu ban đầu của NASA đó là Ingenuity thực hiện tổng cộng 5 chuyến bay trên sao Hỏa, nhưng việc Ingenuity có tiếp tục bay được trong tương lai hay không còn phụ thuộc vào cách chiếc máy bay này hạ cánh, bởi lẽ nếu xảy ra sự cố bất ngờ nào đó trong khi hạ cánh, Ingenuity có thể sẽ bị ngừng hoạt động và không thể tiếp tục nhiệm vụ của mình.