Trăng tròn ảnh hưởng đến giấc ngủ và chu kỳ kinh nguyệt như thế nào?
(Dân trí) - Trăng tròn có làm thay đổi giấc ngủ của chúng ta không, có trùng với chu kỳ kinh nguyệt không?
Thoạt nghe có vẻ những điều này chỉ là truyền thuyết, nhưng có một số sự thật ẩn chứa trong đó. Mọi người đi ngủ muộn hơn và giấc ngủ ngắn hơn trước ngày trăng tròn và chu kỳ kinh nguyệt dường như cũng tạm thời đồng nhất với chu kỳ trăng. Đây là phát hiện mới của các nhà khoa học ở Trường đại học Quilmes, Argentina và Trường đại học Yale, Mỹ.
Trong suốt chiều dài lịch sử, con người vẫn kết nối cuộc sống hàng ngày với bầu trời đầy biến động, cụ thể là những chu kỳ trăng. Toàn bộ kiến thức cũng như truyền thuyết xung quanh các pha trăng luôn được truyền từ đời này sang đời khác từ những lần trăng tròn kích động người sói ra sao đến chu kỳ trăng ảnh hưởng đến cảm xúc và tâm trạng hàng ngày của chúng ta như thế nào.
Và kỳ lạ thay, một số điều trong những truyền thuyết đó lại có nguồn gốc từ khoa học thực sự.
Nhóm nghiên cứu của hai trường đại học nói trên đã phát hiện ra rằng trong những ngày ngay trước ngày trăng tròn, mọi người có xu hướng đi ngủ muộn hơn và ngủ ngắn hơn vài giờ đồng hồ. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi một số người sống ở các thành phố Seattle, Washington và cả những người sống ở các cộng đồng dân cư bản địa ở Bắc Argentina, hai môi trường khác biệt và mọi người ở những nơi này có khả năng tiếp cận với nguồn điện khác nhau. Khả năng tiếp cận nguồn điện ảnh hưởng đến mức độ tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo, là một trong những yếu tố được quan tâm trong nghiên cứu này.
Những tình nguyện viên được giám sát giấc ngủ bằng thiết bị đeo cổ tay. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng mặc dù mối liên hệ giữa chu trình giấc ngủ và chu trình trăng là yếu tố tự nhiên hơn ở những cộng đồng không có đèn điện, nhưng mối liên hệ này vẫn có cả ở những nơi có ánh sáng nhân tạo. Đây là những đêm mà mọi người ngủ ngắn nhất và muộn nhất trong cả chu kỳ trăng. Vào những đêm này, bầu trời đêm cũng sáng hơn nhờ có mặt trăng sáng hơn.
Nhà nghiên cứu Leandro Casiraghi ở Trường đại học Washington nói "chúng tôi giả thiết rằng những kiểu sinh hoạt mà chúng tôi quan sát được chính là sự thích nghi bẩm sinh để tổ tiên chúng ta tận dụng được nguồn sáng tự nhiên vào đêm tối xảy ra vào một thời gian cụ thể trong chu kỳ trăng".
Kinh nguyệt và kỳ trăng
Mặt trăng không chỉ ảnh hưởng đến chức năng ngủ của con người. Trên thực tế, trong suốt một thời gian dài, mọi người đã cho rằng có một mối liên hệ giữa mặt trăng và chu kỳ kinh nguyệt, một số truyền thuyết thậm chí còn nói rằng mặt trăng có liên quan đến sự thụ thai.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù tất cả các truyền thuyết xung quanh vấn đề này có vẻ không đáng tin cậy, nhưng có thể có một số mối liên quan giữa chu kỳ trăng và chu kỳ kinh nguyệt.
Qua phân tích số liệu theo dõi kỳ kinh của 22 phụ nữ trong 32 năm, các nhà nghiên cứu đã có một tập hợp dữ liệu về thời điểm bắt đầu có kinh cũng như giai đoạn có kinh trung bình là 15 năm của các phụ nữ này ở độ tuổi dưới và trên 35, và so sánh với những dao động của các chu kỳ trăng để xem hai chu kỳ này tương ứng ra sao.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những phụ nữ có chu kỳ kinh dài hơn 27 ngày có hiện tượng kỳ kinh tạm thời trùng ngày với những chu kỳ ảnh hưởng đến cường độ ánh sáng mặt trăng. Nhóm nghiên cứu xác định rằng sự đồng bộ này dần mất đi theo thời gian khi những người phụ nữ này lớn lên và già đi. Đồng thời mối liên hệ này cũng yếu hơn ở những người sống trong môi trường có nhiều ánh sáng nhân tạo hơn.
Cụ thể là các nhà nghiên cứu kết luận rằng chu kỳ kinh nguyệt cũng tương ứng với tháng nhiệt đới (tức là 27,32 ngày; và trong thời gian này mặt trăng có 2 lần đi qua cùng một điểm phân), kỳ kinh cũng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của lực trọng trường của mặt trăng.