Tổ tiên loài người từng "ngủ đông" để vượt qua cái lạnh khắc nghiệt?

Trang Phạm

(Dân trí) - Tổ tiên của chúng ta có thể đã tận dụng một "giấc ngủ ngắn" để sống sót qua mùa đông khắc nghiệt.

Thông tin về kết quả nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí L'Anthropologie dựa trên các cuộc khai quật trong một hang động có tên là Sima de los Huesos ở Atapuerca, miền bắc Tây Ban Nha,

Tổ tiên loài người từng ngủ đông để vượt qua cái lạnh khắc nghiệt? - 1

Các giả thuyết về quá trình ngủ đông của con người bắt nguồn từ hóa thạch 400.000 năm tuổi được phát hiện trong các hang động ở Tây Ban Nha.

Antonis Bartsiokas và Juan-Luis Arsuaga, các tác giả của nghiên cứu cho biết: "Giả thuyết về ngủ đông phù hợp với bằng chứng di truyền và thực tế là các SH hominins (tồn tại sau tổ tiên chung cuối cùng của người Neanderthal và người hiện đại) đã sống trong thời kỳ băng giá cực độ".

Theo các nhà nghiên cứu, trong số các bệnh mà động vật linh trưởng ban đầu ở Sima de los Huesos mắc phải tiêu biểu đó là bệnh viêm xương, khối u màu nâu, viêm xương xơ cứng và một số bệnh khác.

Nghiên cứu cho thấy, khi bắt đầu mùa đông khắc nghiệt, các hominin ban đầu tự nhận thấy mình cần ở trạng thái trao đổi chất giúp tồn tại trong thời gian dài trong điều kiện lạnh giá với nguồn cung cấp thực phẩm hạn chế và lượng mỡ dự trữ trong cơ thể.

Không bác bỏ những hoài nghi, hai nhà nghiên cứu Bartsiokas và Arsuaga thừa nhận rằng nghiên cứu này nghe có vẻ giống như "khoa học viễn tưởng", nhưng nó chỉ ra rằng ngủ đông là điều mà nhiều loài động vật có vú thường làm.

"Đó là một lập luận rất thú vị và nó chắc chắn sẽ kích thích tranh luận. Tuy nhiên, có những lời giải thích khác cho những biến thể trong xương được tìm thấy ở Sima và chúng phải được giải quyết đầy đủ trước khi chúng tôi có thể đưa ra bất kỳ kết luận thực tế nào. Điều đó vẫn chưa được thực hiện", nhà nhân chủng học pháp y Patrick Randolph-Quinney thuộc Đại học Northumbria ở Newcastle nhận định.