Tiết lộ các phát hiện mới ở thành phố La Mã cổ đại - Pompeii

(Dân trí) - Gần 2.000 năm sau khi Pompeii bị chôn vùi trong tro bụi và đất đá từ vụ phun trào núi lửa Vesuvius năm 79 SCN, thành phố cổ đại này tiếp tục tiết lộ các báu vật bị giấu kín từ lâu của mình.

Theo tờ The Nation, các nhà khảo cổ học đã tiết lộ những phát hiện mới nhất của họ tại ngôi nhà của một người đàn ông giàu có sinh sống ở thành phố La Mã cổ đại.

Tiết lộ các phát hiện mới ở thành phố La Mã cổ đại - Pompeii - 1

Một trong những phát hiện nổi bật nhất là ở Casa di Giove (Nhà của thần Jupiter), gồm các bức bích họa, các lọ đất nung được bảo quản tốt và dấu vết của cuộc sống hàng ngày được bảo tồn qua vụ phun trào thảm khốc nhất lịch sử.

Những dấu vết hỏa hoạn được tìm thấy trong một ngôi nhà gần kề đã làm đen bức tường bích họa.

Ngôi nhà này được trang trí theo phong cách La Mã ban đầu, bắt nguồn từ một bức hình nhỏ khắc họa thần Jupiter tìm thấy trên một miếu thờ đặt ở vườn.

Ngôi nhà có một sân trong ở trung tâm, vây quanh là các phòng được trang trí bằng cẩm thạch giả sơn màu đỏ, vàng, và xanh lá cây.

Ngôi nhà của thần Jupiter được khai quật một phần vào thế kỉ 18 và thế kỉ 19, nhưng hiện giờ các nhà khảo cổ học đã phát hiện thêm các di tích bích họa và trang trí, giúp chúng ta hiểu được cuộc sống hàng ngày ở thành phố hàng nghìn năm trước đã diễn ra như thế nào.

Họ cũng phát hiện các dinh cơ phản ánh lối kiến trúc của những thời kì sau của lịch sử La Mã. Các nhà khảo cổ học tìm được các đầu sư tử đất nung, tiền xu, đồ trang trí thủy tinh và đá lát mái nhà được khắc các biểu tượng.

Trong vài tháng qua, các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện một quảng trường gần đó và cả một dãy nhà có ban công nguyên vẹn cũng bị chôn vùi trong vụ phun trào thảm khốc.

Núi lửa Vesuvius phun trào năm 79 SCN, đã chôn vùi các thành phố Pompeii, Oplontis và Stabiae trong tro bụi và đất đá, và thị trấn Herculaneum trong bùn.

Tất cả dân cư thiệt mạng ngay lập tức khi thành phố phía nam Italy bị tấn công bởi dòng nham tầng nóng 500°C.

Lộc Xuân (Theo Sputnik)