1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Thừa Thiên Huế xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian nhằm phát triển đô thị thông minh

(Dân trí) - Chiều 11/10 tại Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra Hội thảo triển khai đề tài “Nghiên cứu, xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian (SDI), phục vụ quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị ứng dụng thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Đến dự có ông Đào Ngọc Chiến, Vụ phó Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Lê Vĩnh Chiến, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Quang Tuấn, Khoa Địa lý – Địa chất trường ĐH Khoa học, ĐH Huế…

Thừa Thiên Huế xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian nhằm phát triển đô thị thông minh - 1

Hội thảo triển khai đề tài “Nghiên cứu, xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian (SDI), phục vụ quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị ứng dụng thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian (SDI), phục vụ quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị ứng dụng thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế” có kinh phí 5,2 tỷ đồng thực hiện trong 18 tháng thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020 về  “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử” của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thừa Thiên Huế xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian nhằm phát triển đô thị thông minh - 2

Các chuyên gia tập trung thảo luận

Ông Lê Vĩnh Chiến, chủ nhiệm đề tài, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết với mục tiêu xây dựng được cơ sở dữ liệu (CSDL) không gian đô thị cấp tỉnh nhằm phục vụ quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, hướng đến xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Đề tài hướng đến việc xây dựng chuẩn CSDL GIS về hạ tầng không gian đô thị cấp tỉnh, xây dựng được CSDL GIS 2D, 3D phục vụ quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, từ đó làm chủ các công nghệ then chốt trong xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian (SDI) với chú trọng ứng dụng công nghệ 3D-GIS.

Các thành phần SDI được xây dựng cụ thể cho tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có: Dữ liệu khung; Dữ liệu chuyên ngành; Dữ liệu bản đồ, không gian có tỷ lệ tối thiểu 1:2000, Các mô hình đô thị 3D sử dụng chuẩn quốc tế thông dụng như CityGML, KML; Bộ công cụ phần mềm bao gồm ứng dụng di động hỗ trợ công tác thu thập, cập nhật, xử lý, khai thác sử dụng dữ liệu không gian đô thị trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng và giao thông; Bộ công cụ phần mềm quản lý phục vụ quản trị hạ tầng dữ liệu không gian, xử lý một số nghiệp vụ trong lĩnh vực đất đai, xây dựng và giao thông, kết nối hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia với một số hệ thống thông tin quản lý.

Thừa Thiên Huế xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian nhằm phát triển đô thị thông minh - 3

Ông Đào Ngọc Chiến, Vụ phó Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu

Theo ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, sản phẩm của đề tài có tính chuyên biệt, ngoài phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, còn phục vụ cộng đồng, người dân, doanh nghiệp. Cùng với sự tương đồng về thực trạng ứng dụng CNTT và hạ tầng cơ sở của các tỉnh thành trên toàn quốc, việc ứng dụng đề tài trong thực tiễn không những góp phần nâng cao tính minh bạch thông tin cũng như khả năng phục vụ người dân mà còn dễ dàng kế thừa, chuyển giao công nghệ.

Thừa Thiên Huế xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian nhằm phát triển đô thị thông minh - 4

Mô hình 3D khu vực Ủy ban tỉnh Thừa Thiên Huế 

Thừa Thiên Huế xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian nhằm phát triển đô thị thông minh - 5

Thành phần của LSDI (Local Spatial Data Infrastructure: Hạ tầng dữ liệu không gian cấp tỉnh) triển khai trong đề tài thí điểm ở Thừa Thiên Huế

Năm 2018, Thừa Thiên Huế là tỉnh dẫn đầu cả nước về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước; năm 2019 là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index). Đây là những thành quả đáng ghi nhận trong cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vấn đề đặt ra là tỉnh Thừa Thiên Huế cần nắm rõ các công nghệ then chốt trong xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian, đặc biệt là ứng dụng công nghệ 3D-GIS để đáp ứng yêu cầu phục vụ quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị.

Hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang hoàn thiện hệ thống thông tin địa lý của tỉnh (GISHue) phục vụ cho công tác quản lý và hoạch định phát triển kinh tế - xã hội và đô thị công nghiệp bền vững. Đặc biệt tỉnh cũng đang thực hiện chiến lược phát triển tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiên với môi trường”. Đây chính là căn cứ, cũng là bài toán mà đề tài “Nghiên cứu, xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian (SDI), phục vụ quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị ứng dụng thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế” đặt ra và giải quyết.

Hạ tầng dữ liệu không gian (Spatial Data Infrastructure - SDI) là một thành phần trong hạ tầng dữ liệu chung, bao gồm các thành phần cần thiết để thu nhận, xử lý, lưu trữ, phân phối và nâng cao tính hữu dụng của dữ liệu không gian, làm cơ sở cho việc tạo lập và chia sẻ dữ liệu không gian giữa các cơ quan, đơn vị. Hiện nay, SDI đã trở thành một nguồn lực thông tin rất lớn đối với hầu hết các quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng nhanh tiến độ xây dựng xã hội thông tin và phát triển nền kinh tế trí thức, xây dựng Cổng thông tin điện tử, đổi mới hệ thống theo hướng phục vụ người dân hiệu quả, minh bạch và dân chủ.

Thừa Thiên Huế xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian nhằm phát triển đô thị thông minh - 6

Đo khối lượng, thể tích trên nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian - mô hình tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Ứng dụng GIS (Geographic Information System: Hệ thống thông tin địa lý) trong quy hoạch phát triển đô thị được áp dụng thành công trong quy hoạch lãnh thổ quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị do có nền tảng dữ liệu quốc gia phong phú, nền chuẩn quốc gia – địa hình, địa chính, bản đồ không ảnh, số liệu thống kê và nhiều chuyên ngành khác. Tại các nước phát triển, ứng dụng GIS đã được áp dụng rất phổ biển trong mọi lĩnh vực.

Tại Việt Nam, công nghệ GIS được thí điểm khá sớm và được sử dụng phổ biến để quản lý nhiều lĩnh vực, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đạt được những kết quả nổi bật. Do vậy công tác quản lý dữ liệu ngành hiện tại chưa đạt hiệu quả cao, việc cập nhật, theo dõi các hoạt động, tra cứu thông tin khi cần thiết vẫn còn là một vấn đề khó khăn. Ngoài ra tại cơ quan Trung ương, Bộ Xây dựng cũng chưa có một đơn vị nào có vai trò là trung tâm tích hợp dữ liệu với vai trò tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quy hoạch nói riêng hay dữ liệu ngành xây dựng nói chung…

Thừa Thiên Huế xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian nhằm phát triển đô thị thông minh - 7

Trên nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian, mọi thứ có thể tính toán được dễ dàng như rà soát vi phạm chỉ giới xây dựng

Thừa Thiên Huế xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian nhằm phát triển đô thị thông minh - 8

Mô tả phân tích tầm nhìn trên bản đồ 3D

Thừa Thiên Huế xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian nhằm phát triển đô thị thông minh - 9

Đo đạc thực tế

Thừa Thiên Huế xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian nhằm phát triển đô thị thông minh - 10

Và phân tích đánh giá quy hoạch xây dựng

Đại Dương