Thói quen ngoáy mũi liên quan thế nào đến bệnh Alzheimer?

Phạm Hường

(Dân trí) - Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện mối liên hệ mong manh nhưng có lý giữa việc ngoáy mũi và nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.

Thói quen ngoáy mũi liên quan thế nào đến bệnh Alzheimer? - 1
Phải đến 9/10 người có thói quen ngoáy mũi, dù thỉnh thoảng hay thường xuyên. (Ảnh: Denis Bezobrazov/Getty Images).

Nếu ngoáy mũi làm tổn thương các mô bên trong mũi thì các vi khuẩn có hại càng dễ có đường xâm nhập vào não. Những vi khuẩn này gây ra những biểu hiện rất giống với dấu hiệu của bệnh Alzheimer.

Mặc dù cho đến nay, nghiên cứu chỉ dừng ở các thí nghiệm trên chuột chứ chưa tiến hành đối với người, nhưng các phát hiện hoàn toàn đáng lưu ý để các nhà khoa học nghiên cứu thêm đối với căn bệnh còn nhiều điều bí ẩn mà gần đây đã có nhiều ý kiến chuyên môn cho rằng nó không hoàn toàn do tuổi già gây ra.

Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Đại học Griffith, Úc, đã thực hiện các xét nghiệm về vi khuẩn Chlamydia Pneumoniae, là vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể con người và gây ra viêm phổi. Vi khuẩn này cũng được phát hiện trong não của phần lớn những bệnh nhân mất trí nhớ khởi phát muộn.

Nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng ở chuột, vi khuẩn này có thể di chuyển theo dây thần kinh khứu giác nối từ khoang mũi đến não. Điều đáng chú ý hơn là khi biểu mô mũi (mô mỏng dọc theo vòm mũi) bị tổn thương thì tình trạng nhiễm trùng dây thần kinh trở nên trầm trọng hơn.

Vì thế, não của chuột tích tụ nhiều protein amyloid-beta hơn, một loại protein được giải phóng để phản ứng với tình trạng nhiễm trùng. Các mảng, khối protein này cũng được tìm thấy rất nhiều ở những người mắc bệnh Alzheimer.

Nhà khoa học thần kinh James St John, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết đây là lần đầu tiên các nhà khoa học chứng minh được rằng vi khuẩn Chlamydia pneumoniae có thể đi thẳng từ mũi lên não và gây ra các triệu chứng bệnh lý giống như bệnh Alzheimer.

"Chúng tôi thấy điều này xảy ra ở chuột, và bằng chứng cũng rất có khả năng xảy ra với con người", James St John chia sẻ.

Các nhà khoa học vô cùng ngạc nhiên trước tốc độ xâm nhập của vi khuẩn này vào hệ thần kinh trung ương của chuột, trong vòng từ 24 đến 72 giờ.

Mặc dù chưa thể khẳng định những hậu quả này cũng xảy ra đối với con người và cũng chưa chắc chắn rằng các mảng amyloid-beta là nguyên nhân gây bệnh Alzheimer, nhưng việc tiếp tục theo dõi và nghiên cứu thêm là cần thiết để chúng ta có thể hiểu rõ hơn tình trạng thoái hóa thần kinh ngày càng phổ biến này.

Nhà khoa học thần kinh St John nói rằng nghiên cứu này được rất nhiều người quan tâm đề xuất tiến hành nhưng vẫn chưa được hoàn thành. Điều chúng ta biết là vi khuẩn này cũng đã xâm nhập vào cơ thể con người, nhưng chưa biết bằng cách nào chúng vào được.

Thói quen ngoáy mũi khá phổ biến. Trên thực tế, có lẽ 9/10 người làm việc này, đấy là chưa kể đến rất nhiều loài vật khác. Mặc dù chưa rõ thói quen này mang lại những gì, nhưng những nghiên cứu như đã nói ở trên cũng giúp chúng ta cân nhắc từ bỏ việc ngoáy mũi.

Alzheimer là một căn bệnh cực kỳ phức tạp. Số lượng nghiên cứu về căn bệnh này là khổng lồ mà mỗi nghiên cứu vẫn chỉ là một bước tiến nhỏ giúp chúng ta tiến gần hơn đến việc hiểu biết đầy đủ về nó.

Nhà khoa học St John nói rằng "khi bạn bước qua tuổi 65, nguy cơ mắc bệnh Alzheimer của bạn tăng vọt, nhưng chúng ta cũng đang tìm hiểu cả các nguyên nhân khác, bởi vì không chỉ tuổi già mà tất cả các yếu tố môi trường, sinh hoạt đều có tác động."

Theo www.sciencealert.com