Tham ăn, cá sấu vong mạng trước sinh vật có dòng điện 860 Volt
(Dân trí) - Con cá sấu Caiman lực lưỡng chịu cảnh nằm phơi bụng vì dòng điện từ con mồi. Dòng điện này mạnh tới mức làm tim nó ngừng đập.
Cá sấu được mệnh danh là "ông vua đầm lầy", với khả năng săn mồi cực kỳ thiện nghệ và đầy mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cá sấu gặp phải con mồi nhỏ bé hơn, nhưng chịu cảnh vong mạng vì không lường trước được rủi ro khi đối đầu với chúng.
Trong đoạn clip dưới đây, có thể thấy cá sấu bị thu hút bởi một con lươn điện (cá chình điện) khi nó đang ra sức giãy dụa ở gần bờ. Sau một hồi do dự, nó bất ngờ đớp mạnh vào con mồi.
Quyết định sai lầm của cá sấu ngay lập tức cho thấy hậu quả, khi nó vô tình kích hoạt hệ thống tự vệ của lươn điện. Con vật phóng ra dòng điện áp cao, khiến cá sấu tê liệt, các cơ bắp co giật mất kiểm soát.
Một lúc sau, con cá sấu Caiman đã chịu cảnh nằm phơi bụng vì dòng điện khiến tim nó ngừng đập.
Lươn điện, hay còn gọi là cá chình điện (Electrophorus Electricus), là một loài cá trong họ Cá dao lưng trần (Gymnotidae), với khả năng độc đáo là có thể phát ra điện để tấn công kẻ thù và để săn mồi hiệu quả.
Cơ quan phát điện của cá được tổng hợp từ 3 phần, gồm: phần chính tích điện, phần săn mồi phát động điện và phần đuôi định vị.
Phân tích sâu cơ quan phát điện của cá sẽ thấy chúng là các lớp cơ mỏng bao quanh bởi một dịch trong và sệt. Các lớp cơ tạo điện đồng bộ và dòng điện tổng phóng ra được điều khiển bởi não cá.
Theo đó, khi cá chình điện tìm thấy con mồi, hoặc cảm thấy bị đe dọa, não sẽ gửi tín hiệu qua hệ thần kinh đến các tế bào điện.
Điều này sẽ mở các kênh ion, cho phép natri chảy qua, đảo ngược cực tính trong giây lát. Bằng cách gây ra sự khác biệt đột ngột về điện thế, nó tạo ra dòng điện theo cách tương tự như pin, trong đó các tấm xếp chồng lên nhau tạo ra sự khác biệt điện thế.
Lúc này, ba phần cơ quan phát điện của cá sẽ tạo dòng điện sinh học, có suất điện động e = 0,15V và điện trở nội r = 0,25ohm. Bằng các thí nghiệm thực tế, các nhà khoa học đo được mức điện áp tối đa mà một con cá có thể thực hiện được trong cú phóng của nó, lên tới 860 Volt và cường độ đạt 1 Ampere.
Dòng điện này được cho là đủ để tạo ra một cú sốc gây tê ngắn và đầy đau đớn giống như súng phóng điện "stun gun". Đây là rủi ro thường gặp đối với những người chăm sóc bể cá và các nhà sinh vật học đang cố gắng xử lý hay kiểm soát soát điều này.
Ngoài việc giật điện để tấn công con mồi, cá chình điện còn là "chuyên gia" trong việc sử dụng điện theo nhiều cách. Cụ thể, chúng có thể sử dụng điện áp thấp để cảm nhận môi trường xung quanh, và điện áp trung được sử dụng để phát hiện con mồi dưới nước.
Chúng làm được điều này nhờ phát ra các cặp xung điện áp tầm trung cách nhau 2 mili-giây, khiến con mồi xung quanh gặp phải những cơn co giật không tự nguyện. Từ đó, con cá chình điện cảm nhận được sự chuyển động, và xác định được vị trí con mồi.
Khi bị kích động, chúng có thể tạo ra những cú sốc điện gián đoạn, kéo dài trong ít nhất một giờ đồng hồ mà không biết mệt mỏi, và giết chết hầu như mọi kẻ thù mà chúng gặp phải.