Tại sao một số đàn ông có râu đỏ nhưng tóc lại không đỏ?
(Dân trí) - Rất hiếm khi thấy một người đàn ông có râu đỏ và bộ tóc màu đỏ đi kèm, nó chỉ chiếm khoảng khoảng 1% đến 2% dân số.
Nina Jablonski, giáo sư nhân chủng học tại Đại học bang Pennsylvania, nơi đang có các nghiên cứu tập trung về các vấn đề sinh học của màu tóc cho biết: "Tôi đã quan sát nhiều người, đặc biệt là những người đàn ông trẻ hơn, có râu đỏ và tóc đỏ và một số người có râu đỏ và tóc nâu nhạt, vàng hoặc đỏ”.
Hầu hết những người tóc đỏ hiếm hoi sống ở các quốc gia như Scotland, Ireland và xứ Wales, tiếp theo là Anh và các quốc gia Bắc Âu. Có thể dự đoán những người có mái tóc đỏ này tồn tại là do đột biến gene. Cụ thể, một đột biến trong gene có tên là MC1R, điều khiển sản xuất sắc tố trong tế bào tóc.
Màu tóc được xác định bởi tỷ lệ của hai sắc tố khác nhau. Eumelanin chịu trách nhiệm cho tông màu đen và pheomelanin gây ra màu đỏ. Những người có mái tóc đen hoặc nâu sẫm có lẽ sẽ chỉ có eumelanin, hoặc ít nhất nó sẽ là sắc tố chủ đạo.
Vai trò của gen MC1R là mã hóa một protein gọi là melanocortin, có nhiệm vụ chuyển đổi sắc tố đỏ thành màu đen. Nhưng nếu một người có đột biến kép trong gene này, các protein kết quả của nó sẽ không hiệu quả, dẫn đến màu đỏ.
Vậy, điều gì xảy ra khi một người có râu đỏ, kết hợp với đầu tóc nâu?
"Điều này gần như chắc chắn là do sự biểu hiện khác biệt của MC1R trong nang lông của tóc so với tóc da đầu dẫn đến việc sản xuất một hỗn hợp khác nhau của eumelanin màu nâu sẫm và pheomelanin màu vàng đỏ", Jablonski giải thích.
Nói cách khác, cùng một gene hoạt động khác nhau ở các bộ phận khác nhau của cơ thể và đó có lẽ là do chỉ có một đột biến của gene MC1R, chứ không phải là đột biến kép, có nghĩa là người đó thực sự là người mang gene tóc đỏ.
Hiện tượng này cũng xảy ra ở một số đàn ông khi họ già đi thường là khi họ qua sinh nhật thứ 40. Điều này có lẽ là do các tế bào sản xuất sắc tố ở tóc da đầu và râu ở các tỷ lệ khác nhau.
Trang Phạm
Theo Live Science