Sức khỏe bị đe dọa nếu sống gần các bãi chôn lấp chất thải

(Dân trí) - Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí International Journal of Epidemiology, sức khỏe của những người dân sống cách bãi chôn lấp chất thải trong vòng 5km đang bị đe dọa.

Các nhà nghiên cứu Italia đã đánh giá tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe của việc sống gần 9 bãi chôn lấp chất thải khác nhau ở khu vực Lazio, do bị phơi nhiễm các chất ô gây ô nhiễm không khí từ các nhà máy xử lý chất thải. Từ năm 1996-2008, đã có khoảng 242.409 người được đưa vào nhóm bị phơi nhiễm.

Sức khỏe bị đe dọa nếu sống gần các bãi chôn lấp chất thải - 1

Kết quả cho thấy mối liên quan chặt chẽ giữa Hydrogen sulphide (được coi như đại diện cho tất cả các chất gây ô nhiễm phát ra từ các bãi chôn lấp) và số người tử vong do ung thư phổi, cũng như các trường hợp tử vong và nhập viện do một số bệnh liên quan đến đường hô hấp. Kết quả thể hiện rõ ở trẻ em. Mức độ phơi nhiễm Hydrogen sulphide trung bình hàng năm là 6,3 ng/m3, trong khi những người dân sống gần các bãi chôn lấp chất thải lớn hơn ở Roma có mức phơi nhiễm trung bình là 45 ng/m3. Vào cuối giai đoạn tiếp theo đã có 18.609 trường hợp tử vong.

Đồng tác giả Francesca Mataloni cho biết, bằng chứng về sức khỏe của những người sống gần các bãi chôn lấp chất thải vẫn còn gây tranh cãi. Hầu hết các nghiên cứu được công bố chỉ sử dụng những dữ liệu sức khỏe tổng hợp mà chưa áp dụng đối với tình hình kinh tế-xã hội thực tế. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp tiếp cận nhóm dân cư để khắc phục những hạn chế này.

Những triệu chứng về hô hấp đã được phát hiện ở những người dân sống gần nơi chôn lấp chất thải. Điều này liên quan đến tình trạng phơi nhiễm do tiếp xúc với nội độc tố, các vi sinh vật và các sol khí từ quá trình thu gom và chôn lấp chất thải. Bằng chứng này phù hợp với các nghiên cứu khác; Tuy nhiên, mối liên quan giữa việc sống gần các bãi chôn lấp chất thải và các trường hợp bị mắc ung thư phổi là một phát hiện mới. Các tác giả nhấn mạnh rằng, cần nghiên cứu sâu hơn nữa để xác nhận điều này.

N.M.P-NASATI (Theo ENN)