Sử dụng kháng sinh đường uống làm tăng nguy cơ bị sỏi thận?
(Dân trí) - Theo một nghiên cứu mới, việc sử dụng kháng sinh đường uống ở trẻ nhỏ và người lớn có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận.
Những phát hiện được công bố trên tờ Journal of the American Society of Nephrology chỉ ra rằng nguy cơ cao nhất là ở những người trẻ và ở bệnh nhân sử dụng kháng sinh nhiều nhất.
Tác giả chính của nghiên cứu, Gregory E. Tasian từ Bệnh viện Nhi Philadelphia (CHOP) cho biết: “Tỷ lệ mắc sỏi thận đã tăng 70% trong 30 năm qua với sự gia tăng đặc biệt mạnh ở thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ”.
Theo các nhà nghiên cứu, sỏi thận trước đây hiếm gặp ở trẻ em. Nguyên nhân của sự gia tăng này chưa được làm rõ nhưng kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng sử dụng kháng sinh đóng vai trò, đặc biệt là vì trẻ em được kê kháng sinh với tỷ lệ cao hơn người lớn.
Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã phân tích tình trạng sử dụng kháng sinh trước đây ở gần 26.000 bệnh nhân bị sỏi thận so với nhóm đối chứng gồm gần 260.000 người.
Họ phát hiện thấy rằng có 5 loại kháng sinh đường uống: sulfas đường uống, cephalosporin, fluoroquinolones, nitrofurantoin và penicillin phổ rộng có liên quan đến chẩn đoán bệnh sỏi thận.
Sau khi điều chỉnh theo độ tuổi, giới tính, chủng tộc, tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu, các loại thuốc và bệnh khác, bệnh nhân dùng thuốc sulfa có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn gấp 2 lần so với những người không dùng.
Đối với penicillin phổ rộng, nguy cơ này cao hơn 27%, các nhà nghiên cứu cho biết thêm.
Họ cũng nói rằng nguy cơ sỏi thận giảm theo thời gian nhưng vẫn tăng cao nhiều năm sau khi sử dụng kháng sinh.
Các nhà nghiên cứu kết luận những phát hiện của họ cho thấy việc thực hành kê đơn kháng sinh là một yếu tố nguy cơ có thể thay đổi. Sự thay đổi trong các mô hình kê đơn có thể làm giảm tình trạng sỏi thận đang gia tăng ở trẻ em
Nguyễn Hà
Theo THS