1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Sa mạc Sahara đã rộng ra thêm 10%

(Dân trí) - Sahara, sa mạc lớn nhất thế giới, đã tăng lên khoảng 10% kể từ năm 1920.

Sa mạc Sahara đã rộng ra thêm 10% - 1

Các nhà khoa học nói rằng biến đổi khí hậu là một trong những lý do để tìm hiểu vì sao cát đang mở rộng sang các khu vực mới.

Hơn nữa, việc mở rộng khu vực hạn hán và khô cằn và nay có thể không chỉ giới hạn ở Sahara, dựa trên sự biến thiên của các mô hình thời tiết và nhiệt độ tăng lên trên toàn cầu.

Đó là một lời nhắc nhở khác về những hậu quả của một thế giới đang nóng lên.

Tác giả của nghiên cứu Sumant Nigam của Đại học Maryland (UMD) cho biết: “Kết quả của chúng tôi đặc biệt cụ thể đối với Sahara, nhưng chúng có thể cũng có liên quan đến các sa mạc khác trên thế giới.”

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy nhiều biến thể ở biên giới phía bắc và phía nam sa mạc Sahara và cũng khảo sát các điều kiện trong khu vực Sahel, vùng chuyển tiếp kết nối miền nam Sahara với Savanna của Sudan.

Sa mạc Sahara đã rộng ra thêm 10% - 2

Một nhà nghiên cứu, Natalie Thomas cho biết: “Nhiều nghiên cứu trước đây đã ghi lại xu hướng mưa ở Sahara và Sahel.

Nhưng bài báo cáo của chúng tôi là đặc biệt, trong đó chúng tôi sử dụng các xu hướng này để suy ra những thay đổi trong phạm vi sa mạc trên khoảng thời gian của thế kỷ”.

Đi sâu tìm hiểu các tài liệu từ những năm 1920, các nhà nghiên cứu đã xem xét lượng mưa trung bình hàng năm như là một định nghĩa về một sa mạc thực sự - trong trường hợp này là dưới 150 milimet (5,9 inch) mưa mỗi năm.

Theo các nhà nghiên cứu, dựa trên xu hướng hàng năm hơn là theo mùa, Sahara đã tăng 10% diện tích trong suốt giai đoạn 1920-2013. Trong những tháng mùa hè, sự mở rộng này đã lên đến 16 phần trăm.

Hồ Chad, ở vùng Sahel, đóng vai trò là một chỉ báo hữu ích cho việc thay đổi các điều kiện dọc theo biên giới của sa mạc Sahara trong nghiên cứu mới này.

Nigam cho hay: “Thung lũng Chad nằm ở khu vực mà Sahara đã đổ xuống phía nam. Và hồ nước đang khô.

Đây là một dấu hiệu rất rõ ràng về lượng mưa giảm không chỉ ở địa phương, mà cả toàn bộ khu vực, đó là một sự kết hợp tạo ra hiện tượng mực nước xuống dốc ở thung lũng Chad”.

Một loạt các chu kỳ khí hậu phức tạp ảnh hưởng đến các điều kiện ở Sahara, bao gồm Dao động Thập kỉ Thái Bình Dương (PDO) và Dao động Đa cực Đại Tây Dương (AMO).

Xem xét AMO chạy trên một chu kỳ 50 đến 70 năm, các nghiên cứu dài hạn như thế này là rất quan trọng trong việc hiểu được hành tinh của chúng ta đang thay đổi như thế nào.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng thay đổi khí hậu ảnh hưởng bởi con người cũng ảnh hưởng đến sự mở rộng sa mạc này, và nó cũng có thể xảy ra ở những nơi khác trên thế giới.

Điều quan trọng là những thay đổi này có ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ mà hành tinh của chúng ta có thể sinh sống được.

Nigam nói: “Sa mạc thường hình thành ở vùng cận nhiệt đới vì sự lưu thông Hadley, qua đó không khí tăng lên nhiệt độ ở đường xích đạo và đi xuống tại các vùng cận nhiệt đới.

Sự thay đổi khí hậu có thể sẽ mở rộng lưu thông Hadley, dẫn đến sự lấn chiếm về phía bắc của các sa mạc cận nhiệt đới phía bắc. Tuy nhiên, ở phía nam của sa mạc Sahara cho thấy các cơ chế mở rộng cũng đang hoạt động, bao gồm các chu trình khí hậu như AMO.”

Sau khi đưa ra những ảnh hưởng của AMO và PDO, các nhà nghiên cứu ước tính khoảng một phần ba sự mở rộng của Sahara là do sự thay đổi khí hậu gây ra bởi hoạt động của con người. Điều đó có ý nghĩa kêu gọi hành động của những người sống ở Sahara cũng như trên toàn thế giới.

Dân số của hành tinh tiếp tục phát triển, điều đó có nghĩa là chúng ta cần thêm đất để trồng cây lương thực, chứ không phải đất để canh tác càng ngày càng ít đi.

Bây giờ các nhà nghiên cứu muốn thực hiện xem xét những dữ liệu tổng quát hơn trong một thời gian dài hơn để có được một hình ảnh chính xác hơn về những gì đang xảy ra.

Thomas nói: “Với nghiên cứu này, ưu tiên của chúng tôi là ghi nhận các xu hướng dài hạn về lượng mưa và nhiệt độ ở Sahara.

Bước tiếp theo là tìm hiểu những gì đang thúc đẩy những xu hướng này, đối với Sahara và cả các nơi khác nữa.”

Hoàng Hằng

Theo Science Alert