Phi hành gia Trung Quốc đang làm gì trên trạm vũ trụ Thiên Cung?
(Dân trí) - Các thí nghiệm tại trạm vũ trụ Thiên Cung được đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV tiết lộ trong một bản tin ngắn.
Theo báo cáo từ đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, các phi hành gia Trung Quốc trên trạm vũ trụ Thiên Cung đang tập trung nghiên cứu vi khuẩn cổ đại kỵ khí Archaea.
Đây là nhóm sinh vật đơn bào, và là một trong những dạng sống lâu đời nhất trên Trái Đất.
Trước đó, các vi khuẩn đã được đưa lên trạm vũ trụ bởi tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 7 từ đầu năm nay, và được "nuôi" trong một mô-đun máy ly tâm nhỏ.
Tại đây, Archaea ban đầu được sử dụng trong thí nghiệm tiêu thụ hydro và carbon dioxide, từ đó tạo ra khí mê-tan như một sản phẩm thải.
Thí nghiệm này nhằm xác định xem một số dạng sống ban đầu ở Trái Đất có thể thích nghi với môi trường vũ trụ mô phỏng hay không. Bên cạnh đó, thí nghiệm cũng góp phần trong nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.
Đó là bởi mê-tan từ lâu đã được biết đến như một dấu hiệu sinh học tiềm năng, đã từng xuất hiện trên Sao Hỏa và rất được các nhà khoa học quan tâm.
Theo CCTV, các phi hành gia đến từ Trung Quốc cũng nghiên cứu dược động học, nhằm đánh giá tác động của chuyến bay vũ trụ dài ngày lên cơ thể con người và cung cấp thông tin tham khảo cho việc dùng thuốc trên quỹ đạo.
Bên cạnh đó, họ còn tiến hành loạt thí nghiệm liên quan đến vật lý chất lỏng vi trọng lực, khoa học đốt cháy và khoa học vật liệu không gian.
Được biết, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng trạm Thiên Cung vào cuối năm 2022, và đặt mục tiêu sẽ duy trì "tiền đồn quỹ đạo" này trong ít nhất một thập kỷ.
Các thành viên phi hành đoàn Thần Châu 18, gồm chỉ huy Ye Guangfu và các thành viên phi hành đoàn Li Cong, Li Guangsu, hiện là những người có mặt trên trạm vũ trụ Thiên Cung từ cuối tháng 4.
Dự kiến vào tháng 11, các phi hành gia thuộc sứ mệnh Thần Châu 19 sẽ cập bến Thiên Cung và thay thế cho phi hành đoàn hiện tại.