1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Phát hiện một loài dơi mới tại khu vực rừng Trường Sơn

(Dân trí) - Các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bảo tàng Quốc gia về Lịnh sử tự nhiên, (Paris, CH Pháp), Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã (FFI) và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hungary vừa công bố phát hiện ra một loài dơi ở khu vực rừng Trường Sơn, đặt tên là Dơi lông xù Đông Dương.

Các nhà khoa học cho biết, trên cơ sở kết hợp các phương pháp nghiên cứu so sánh hình thái và phân tích trình tự của 02 gene ty thể và 07 gene nhân của các mẫu dơi thu được, bao gồm các mẫu chuẩn tại các bảo tàng, các nhà nghiên cứu đã xây dựng được quá trình tiến hóa và chứng minh có nhiều loài trước đây đã bị định danh nhầm thành loài dơi lông xù Hardwicke.

Riêng tại khu vực Đông Nam Á, có ít nhất ba loài dơi đã bị định danh nhầm, trong đó có một loài với vùng phân bố hiện biết giới hạn trong các khu rừng thuộc dãy Trường Sơn chạy dọc biên giới ba nước Đông Dương là Việt Nam, Lào và Cam-Pu-Chia chưa từng được mô tả. Chính vì vậy, các tác giả đã mô tả và đặt tên loài dơi mới này là Dơi lông xù Đông Dương, tên khoa học là Kerivoula dongduongana Tu, Hassanin, Furey, Son & Csorba, 2018.


Dơi lông xù Đông Dương Kerivoula dongduongana Tu, Hassanin, Furey, Son, Csorba, 2018 (Holotype). Ảnh: Vương Tân Tú.

Dơi lông xù Đông Dương Kerivoula dongduongana Tu, Hassanin, Furey, Son, Csorba, 2018 (Holotype). Ảnh: Vương Tân Tú.

Mẫu chuẩn (holotype) của loài Dơi lông xù Đông Dương thu được tại khu rừng thường xanh, ít bị tác động thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum, Việt Nam. Các mẫu chuẩn phụ (paratype) thu được tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Nghệ An, Việt Nam và Vườn Quốc gia Virachey, Ratanakiri, Cam-Pu-chia.

Cho đến nay, các đặc điểm sinh thái học của loài Dơi lông xù Đông Dương hầu như chưa được nghiên cứu, song việc chỉ ghi nhận được chúng tại những khu rừng nguyên sinh hoặc ít bị tác động thuộc dãy Trường Sơn cho thấy chúng có thể là một trong những loài có giới hạn sinh thái hẹp, chuyên sống dưới tán rừng rậm rạp.

Tuy nhiên, chính vì đặc điểm thích nghi này mf loài Dơi lông xù Đông Dương cũng như nhiều loài động, thực vật hoang dã khác đã và đang đối mặt với nhiều mối đe doạ, chủ yếu vì nơi cư trú và kiếm ăn của chúng bị suy thoái do việc mất rừng tự nhiên ở dãy Trường Sơn (do chiến tranh, thiên tai và đặc biệt là nạn phá rừng trái phép) trong những năm qua.

"Để tránh việc nhiều loài sinh vật hoang dã đang sinh sống tại dãy Trường Sơn có thể biến mất trước khi chúng được phát hiện, các ban, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời mở rộng việc thực hiện các chương trình nghiên cứu nhằm khám phá những giá trị đa dạng sinh học còn tiềm ẩn nơi đây", các nhà khoa học khuyến cáo.

S.H (Theo Vast)