Phát hiện loại vi sinh vật tránh được tác động của không gian vũ trụ
(Dân trí) - Trong một thí nghiệm trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), các nhà khoa học Nga đã phát hiện ra loại vi sinh vật hoàn toàn chịu đựng được các chuyến bay dài ngày trong không gian vũ trụ.
Loại vi sinh vật này có tên là Methanosarcina mazei, sống trong các bãi rác, nước thải, trong đường tiêu hóa của động vật và con người.
Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2010-2020 trong chương trình thử nghiệm Test nghiên cứu khả năng tồn tại của các vi sinh vật bám trên bề mặt phía ngoài ISS trong thời gian 1 và 2 năm.
"Các thí nghiệm cho thấy sau khi đưa ra bề mặt bên ngoài trạm vũ trụ trong 24 tháng, khả năng sống của quần thể tế bào Methanosarcina mazei vẫn còn tồn tại. Dựa trên các kết quả thu được, có thể kết luận rằng bộ gen của vi khuẩn cổ sinh Methanosarcina mazei S-6T chứa các cơ thể sống có khả năng tự bảo vệ chống lại tác động của các yếu tố bên ngoài vũ trụ, như trạng thái chân không, bức xạ tia cực tím và nhiệt độ thấp", bài báo của các nhà khoa học Nga đăng trên số mới ra của tạp chí khoa học "Y học môi trường và hàng không vũ trụ" của Viện các vấn đề y sinh (IMBP) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) cho biết.
Thí nghiệm cho thấy các tế bào được bảo vệ nhờ một lớp vỏ ba lớp bao phủ, lớp vỏ này có cấu trúc phức tạp, không hình thành trong điều kiện trên mặt đất ngay cả khi được chiếu tia cực tím.
"Hiện nay đã có cơ sở chứng minh rằng trong các vi sinh vật ở điều kiện sống không thuận lợi có tồn tại một cơ chế tổng hợp có khả năng bảo vệ các cấu trúc nội bào có vai trò quan trọng sống còn, trước hết là nucleoid (vùng nhân tế bào), khỏi các tác động gây hại, tình trạng thiếu thức ăn, stress oxy hóa và những tác động khác", các nhà khoa học viết.
Bài báo cho biết thí nghiệm được thực hiện để có được khái niệm về đặc điểm sinh lý của các vi sinh vật có khả năng sống trên những hành tinh khác, và tìm ra cơ chế giúp chúng thích nghi với các điều kiện sống bất lợi.