Phát hiện loài chuột sống sót kỳ diệu sau vụ phun trào núi lửa khủng khiếp
(Dân trí) - 15 tháng 6 năm 1991, sau 500 năm không hoạt động, núi Pinatubo bùng nổ trong một vụ phun trào cực lớn. Đây là vụ phun trào núi lửa trên cạn mạnh thứ hai trong thế kỷ XX.
Mặc dù đã sơ tán trong những ngày trước đó nhưng đáng tiếc đã có 847 người được báo cáo đã tử vong. Ngọn núi lửa nằm trên đảo Luzon của Philippines phun dung nham và tro bụi vào dãy núi Zambales xung quanh.
Vụ phun trào mạnh đến nỗi nó làm giảm chiều cao của núi Pinatubo 250 mét, để lại một điểm trũng ở đỉnh núi. Những khu rừng già tươi tốt trước đây xung quanh núi lửa đã bị tàn phá nghiêm trọng hoặc bị phá hủy hoàn toàn.
Hai mươi năm sau sự kiện này, nhà nghiên cứu bảo tàng Field, Danilo Balete, đã mạo hiểm đến núi Pinatubo để khảo sát các loài động vật có vú trong khu vực. Không có cuộc khảo sát nào về khu vực này trước khi vụ phun trào xảy ra, nhưng các mẫu vật trong Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ đã lưu giữ một số hồ sơ cho các vùng thấp hơn.
Một loài được quan tâm cụ thể đó là Apomys sacobianus, hay chuột núi lửa Pinatubo. Loài này chỉ được biết đến từ một mẫu vật duy nhất, được chụp ở sườn dưới của núi lửa dọc theo sông Sacobia vào năm 1956.
Các nhà nghiên cứu cho rằng do chỉ sống trên ngọn núi lửa này, vụ phun trào lớn đã quét sạch chuột núi lửa Pinatubo khỏi mặt Trái đất. Tuy nhiên, cuộc khảo sát đã cho thấy rằng chuột núi lửa Pinatubo không nhưng không biến mất mà còn phát triển rất mạnh.
Sau khi Balete qua đời vào năm 2017, nghiên cứu đã được hoàn thành bởi Larry Heaney, Giám đốc nghiên cứu động vật có vú tại Bảo tàng Field ở Chicago, và Eric Rickart, Giám đốc nghiên cứu động vật có xương sống tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Utah.
Các vị trí được khảo sát nằm trên sườn phía đông của ngọn núi Pinatubo ở độ cao từ 200 đến 1.100 mét. Các địa điểm đã được lựa chọn với sự giúp đỡ của người Aeta bản địa, vì khu vực này là lãnh địa của tổ tiên họ. Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 17 loài động vật có vú trong khu vực. Họ đã tìm thấy tám loài dơi (ba loài ăn côn trùng và năm loài dơi ăn quả", bảy loài động vật có vú nhỏ không biết bay (năm loài gặm nhấm bản địa và hai loài không phải bản địa), và hai loài thú lớn bản địa (lợn rừng và hươu).
Chuột núi lửa Pinatubo thực sự là loài có nhiều nhất trong số các loài động vật có vú nhỏ bản địa được tìm thấy, với 226 con bị bắt.
"Sau khi núi Pinatubo phun trào, chúng tôi đã tìm kiếm loài chuột này trên các đỉnh núi khác trong dãy núi Zambales nhưng không tìm thấy nó, cho thấy loài này phân bố địa lý rất hạn chế. Chúng tôi nghĩ rằng núi lửa có thể là nơi duy nhất loài chuột này sinh sống", các nhà nghiên cứu cho biết.
Các tác giả của bài báo cũng cho rằng loài này là một "chuyên gia gây xáo trộn", phát triển mạnh trong một môi trường sống bị xáo trộn nghiêm trọng. Trên thực tế, nhiều loài bản địa dường như đã sống tốt một cách thần kỳ khi đối mặt với thiên tai.
"Trong một thời gian, chúng tôi đã biết rằng nhiều loài động vật có vú nhỏ ở Philippines có thể chịu đựng được sự xáo trộn môi trường sống, cả do tự nhiên và do con người gây ra, nhưng hầu hết chúng đều phổ biến về mặt địa lý, không phải là loài đặc hữu tại địa phương, thường được các nhà sinh học bảo tồn quan tâm.
Núi Pinatubo có thể là một nơi tuyệt vời để thiết lập một dự án dài hạn nhằm theo dõi sự phục hồi môi trường sống và tái tập hợp cộng đồng sau vụ phun trào núi lửa, những thông tin như vậy sẽ hữu ích trong nỗ lực tái tạo nhiều khu vực đã bị người dân phá rừng", nhà nghiên cứu Rickart thông tin.