Nỗ lực tìm phụ gia thay thế kháng sinh phòng bệnh trong thức ăn chăn nuôi

Trường Thịnh

(Dân trí) - Ngành chăn nuôi đang rất quan tâm tới những giải pháp mới thay thế cho các loại kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là kháng sinh phòng bệnh và kích thích tăng trưởng.

Theo lộ trình, thuốc thú y có chứa kháng sinh đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành và sử dụng đến hết ngày 31/12/2025.

Theo đó, ngành chăn nuôi đang rất quan tâm tới những giải pháp mới thay thế cho các loại kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là kháng sinh phòng bệnh và kích thích tăng trưởng. Đây là một thử thách lớn về chi phí, thời gian, sự tiện lợi… Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn phải làm với mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh đối với các sản phẩm chăn nuôi. Lộ trình mà ngành chăn nuôi đang hướng tới chính là sản xuất phụ gia từ thực vật để có mức tăng trưởng cao nhưng vẫn an toàn cho người sử dụng.  

Trên thực tế cho thấy đã có những giải pháp thay thế kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi một cách rất hiệu quả bằng việc sử dụng chế phẩm thảo dược, probiotics…

Đi tìm giải pháp mới cho ngành phụ gia dựa trên lợi thế của Việt Nam

Mới đây, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), đã diễn ra tọa đàm với chủ đề "Giải pháp đột phá về sản xuất phụ gia từ chiết xuất thực vật tại Việt Nam".

Tại buổi tọa đàm trên, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngành chăn nuôi chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam lại phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài. Bằng chứng, hơn 65% nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hàng năm được nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy là nước đi lên từ nông nghiệp, nhưng Việt Nam lại chưa nắm giữ những công nghệ sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi, mà hoàn toàn nhập khẩu 100% từ nước ngoài, trong khi nguồn cung nguyên liệu trong nước rất dồi dào phong phú và đa dạng.

Nỗ lực tìm phụ gia thay thế kháng sinh phòng bệnh trong thức ăn chăn nuôi - 1
Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi phát biểu tại chương trình. (Ảnh: TVOne Việt Nam).

Trong năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng gần 700.000 tấn phụ gia và thức ăn bổ sung, với giá trị khoảng hơn 1 tỷ USD (không bao gồm thuốc kháng sinh các loại). Riêng về vitamin, axit amin, khoáng, và phụ gia chúng ta chưa có công nghệ sản xuất, và hiện đang phụ thuộc nhiều từ Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu và châu Mỹ. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính do chi phí giá thành rẻ và là nước ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu.

Vì vậy, việc nghiên cứu sản xuất phụ gia từ chiết xuất thực vật tại Việt Nam đang được khuyến khích và được ngành nông nghiệp hết sức quan tâm.

Xuất phát từ thực tế này, Công ty Cổ phần TVOne Việt Nam là công ty tiên phong tại Việt Nam trong việc sản xuất nội địa hóa phụ gia thức ăn chăn nuôi từ tách chiết thực vật với trên 95% từ nguyên liệu thảo dược trong nước như: Sâm báo, sâm đương quy, atiso, củ dền, tầm bóp, bồ công anh, cỏ lào, cỏ mực, cùng hơn 20 loại tinh dầu các loại. Với khát vọng hướng đến ngành nông nghiệp không thuốc kháng sinh và hóa chất, phát triển nông nghiệp hữu cơ tự chủ về công nghệ nhằm cung ứng những giải pháp tốt nhất cho ngành công nghiệp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam và khu vực cùng sứ mệnh "Mang giải pháp thiên nhiên cho người chăn nuôi, sự an toàn cho cộng đồng".

Nỗ lực tìm phụ gia thay thế kháng sinh phòng bệnh trong thức ăn chăn nuôi - 2
Ông Nguyễn Đức Phương - Tổng Giám đốc Công ty CP TVOne Việt Nam. (Ảnh: TVOne Việt Nam).

Ông Nguyễn Đức Phương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TVOne Việt Nam cho biết: "Theo quy định của Luật chăn nuôi, đến năm 2025, Việt Nam sẽ cấm hoàn toàn sử dụng kháng sinh trên vật nuôi, cũng như các sản phẩm về thức ăn gia súc. Đây là điểm nhấn, động lực để chúng tôi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phụ gia tại Việt Nam. Mục tiêu chúng tôi hướng đến là đưa các sản phẩm phụ gia hoàn toàn bằng tự nhiên, mang đến các sản phẩm cho người tiêu dùng, cũng như đưa được nguyên liệu hỗ trợ cho ngành nông nghiệp, cũng như người nông dân".

Còn theo TS.Nguyễn Thành Dương - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, những sản phẩm chiết xuất từ thực vật để bổ sung cho thức ăn chăn nuôi đang thiếu. Để giải quyết vấn đề này, các công ty, các tổ chức ở trong nước đang nỗ lực phát triển vùng nguyên liệu để tạo nên những sản phẩm "made in Việt Nam" làm phụ gia cho thức ăn chăn nuôi.

"Các nhà khoa học đang nỗ lực để nghiên cứu, xác định các cơ chế để hình thành các tác dụng của thực vật bổ sung này cho vật nuôi. Mục đích là nâng cao chất lượng của sản phẩm, nâng cao hiệu suất chăn nuôi để có được những sản phẩm phục vụ bà con một cách tốt nhất", ông Dương cho biết.

Ứng dụng tinh dầu trong sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi

Tại tọa đàm, PGS.TS Trần Quốc Toàn - Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - chia sẻ về tinh dầu ứng dụng trong sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi.

Theo ông Toàn, từ các nguyên liệu là thực vật, bằng các phương pháp nghiên cứu khác nhau, các nhà khoa học đã tách chiết ra thành các tinh dầu.

Ông Toàn cho biết, kháng sinh đã được sử dụng rộng rãi trong ngành chăn nuôi và gia cầm để cải thiện tốc độ tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi, cũng như giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã hạn chế hoặc thậm chí cấm sử dụng kháng sinh làm phụ gia thức ăn, do lo ngại gia tăng về việc truyền và tăng sinh vi khuẩn kháng thuốc thông qua chuỗi thức ăn.

"Việc hạn chế sử dụng kháng sinh làm phụ gia thức ăn chăn nuôi đã thúc đẩy các nhà dinh dưỡng và nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi phát triển các lựa chọn thay thế như axit hữu cơ, enzyme thức ăn và tiền sinh học. Những chất này được thiết lập trong dinh dưỡng động vật. Trong những năm gần đây, EO cũng đã thu hút sự chú ý ngày càng tăng từ ngành chăn nuôi lợn", ông Toàn nói.

Các loại thảo mộc thuộc họ Labiatae, đặc biệt là hương thảo, oregano và cây xô thơm, đã được nghiên cứu rộng rãi cho hoạt động chống oxy hóa của chúng. Tiềm năng của Eos và thực vật thơm để cải thiện tính ổn định oxy hóa của thịt thu được từ gà thịt, gà mái hoặc gà tây, đã được chứng minh trong một loạt các nghiên cứu.

Bổ sung vào chế độ ăn uống được coi là một phương pháp hiệu quả để kết hợp các chất chống oxy hóa tự nhiên vào thịt. Các hợp chất chống oxy hóa đặc biệt là các hợp chất phenolic, có trong tinh dầu oregano được hấp thụ, xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn sau khi ăn, và sau đó giữ lại trong thịt…

Việc nghiên cứu các sản phẩm dược liệu trong chăn nuôi, không chỉ hạn chế sử dụng kháng sinh, mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là hướng đi lợi thế của Việt Nam, tạo sinh kế cho người nông dân, giúp ngành chăn nuôi giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh, phát triển bền vững.

Tác dụng đặc biệt của Sâm đối với vật nuôi

Trong buổi chia sẻ, GS.TS In Ho Kim (Đại học Dankook Hàn Quốc) đã trình bày về tác dụng của sâm Báo trong sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi cũng đã chia sẻ: "Sâm không chỉ tốt cho người mà còn tốt cho các loài động vật". Thí nghiệm của ông và cộng sự cho thấy, gà đẻ trứng ăn sâm giảm cholesteron và glycerid trong huyết thanh; năng suất trứng tăng lên ở tuần thứ 27 (kết quả do hoạt động kích thích miễn dịch, bảo vệ gan và chống oxy hóa của sâm). Khi sử dụng sâm với liều lượng 0,1% sâm có thể nâng cao năng suất gà thịt.

Nỗ lực tìm phụ gia thay thế kháng sinh phòng bệnh trong thức ăn chăn nuôi - 3
GS.TS In Ho Kim, Đại học Dankook Hàn Quốc. (Ảnh: TVOne Việt Nam).

Trên heo cai sữa, khi ăn sâm thì mùi hôi trong trang trại giảm hẳn, vi khuẩn E.Coli trong phân giảm đáng kể. Lượng thức ăn hàng ngày heo ăn vào thấp so với nhóm đối chứng nhưng mức tăng trọng lượng trung bình cao hơn.

Bổ sung sâm vào thành phần thức ăn của heo cho thấy hiệu quả cải thiện đáng kể khả năng tiêu hóa thức ăn, tránh tình trạng tái nhão, PSE ở thịt heo và nâng cao chất lượng thịt heo.